Bảo vệ chủ quyền đất nước bằng công bố quốc tế, tại sao không?

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Công bố quốc tế trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam”. Ảnh: NGÔ TÙNG ​
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Công bố quốc tế trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam”. Ảnh: NGÔ TÙNG ​
TP - Phương thức đào tạo chưa chuyển đổi theo hướng nghiên cứu, dễ dãi trong việc đánh giá, duyệt đăng bài báo khoa học, ít đưa ra tranh luận hay phản biện khoa học, kinh phí đầu tư cho NCKH còn khá thấp so với nhu cầu… Tất cả đang là những trở lực khiến số lượng lẫn chất lượng công bố quốc tế trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của VN vừa thiếu lại vừa yếu.

Sáng 16/1, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Đại học Quốc gia TPHCM phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Công bố quốc tế trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam” thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành cả nước tham gia.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết trong những năm qua, các trường Đại học ở Việt Nam đã rất chú ý đến việc công bố các nghiên cứu trên các tạp chí uy tín thế giới. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy con số công bố quốc tế trong lĩnh vực xã hội và nhân văn là khá thấp, dù đây là mảnh đất đầy tiềm năng với nhiều đặc thù riêng biệt mà thế giới đang rất quan tâm.

Nghịch lý này tồn tại ngay cả ở những đơn vị nghiên cứu và giảng dạy hàng đầu tại VN trong lĩnh vực KHXH&NV như: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam,…

Theo ông Huỳnh Thành Đạt, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ một số hạn chế, như trình độ ngoại ngữ, kỹ thuật trình bày bài học thuật quốc tế, do nhận thức chủ quan của nhà nghiên cứu, chưa có điều kiện giao lưu học thuật quốc tế, do chi phí thực hiện nghiên cứu còn thấp…

Chia sẻ quan điểm tại hội thảo, đa số các nhà khoa học đồng tình cho rằng việc công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV của VN đã tăng nhanh trong những năm vừa qua, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng và sức mạnh về KHXH&NV của đất nước. Đáng nói, dù sở hữu rất nhiều tạp chí khoa học chuyên ngành thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học, chúng ta vẫn không có một tạp chí khoa học nào nằm trong hệ thống dữ liệu uy tín Scopus hay ISI.

GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đánh giá lĩnh vực KHXH&NV thật sự là nơi cung cấp các bằng chứng khoa học, cơ sở, dữ liệu khoa học để xây dựng các chủ trương, chính sách, góp phần phát triển bền vững quốc gia.

Theo ông Thuấn, tại VN những năm vừa qua, KHXH đã góp phần tích cực trong tiến trình đổi mới, phát triển đất nước. Trên thực tế, một trong những thành công trong sự nghiệp đổi mới đất nước hơn 30 năm qua chính là quá trình hội nhập quốc tế và khu vực; cùng với đó, khoa học xã hội cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng và từng bước hội nhập với thế giới.

Dù thế, việc công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV vẫn còn khá khiêm tốn, vẫn còn một khoảng cách khá xa so với sự phát triển, hội nhập chung của đất nước. “Công bố quốc tế vừa đảm bảo cung cấp tri thức, giúp giới thiệu hình ảnh đất nước với thế giới, khu vực, tạo cơ sở cho thế giới hiểu biết VN nhiều hơn, giúp tăng cường hợp tác của VN với thế giới. Mặt khác, điều này còn là tiền đề khẳng định sức mạnh khoa học của đất nước, giới thiệu những đặc thù, đặc sắc về văn hóa, xã hội, con người VN với thế giới. Công bố quốc tế cũng như hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KHXHNV là một yêu cầu hết sức cấp thiết”, Giáo sư Thuấn bày tỏ.

Bảo vệ chủ quyền đất nước bằng công bố quốc tế, tại sao không?

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt khẳng định, việc số lượng công bố quốc tế trong lĩnh vực KHXH&NV ít ỏi là một thiệt thòi mang tầm quốc gia vì nó ảnh hưởng đến vị thế và sức ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời hạn chế những đóng góp của ngành này trong việc phổ biến những giá trị, văn hóa và vai trò của Việt Nam về đối nội, đối ngoại và khẳng định chủ quyền lãnh thổ…

Trước thực trạng này, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, cho rằng không thể cứ bảo vệ chủ quyền bằng cơ bắp, bằng sức mạnh vũ khí, mà phải thể hiện bằng tri thức qua việc công bố nhiều hơn nữa, phải có nhiều bằng chứng thuyết phục về chủ quyền.

Mặt khác, lý giải cho việc thiếu hụt các công bố quốc tế, Giáo sư Phạm Quang Minh cho đó là sự yếu kém về mặt năng lực của nhà nghiên cứu chứ không thể bao biện là do “nhạy cảm chính trị” gì cả, bởi yếu tố quan trọng nhất được xét đến là chất lượng của công bố.

Công bố quốc tế để tri ân người đóng thuế

“Công bố khoa học thực ra chỉ là công đoạn cuối cùng trong một chuỗi các hoạt động nghiên cứu. Nhưng đó chính là hoạt động quan trọng và cần thiết để khẳng định chất lượng chuyên môn và sự minh bạch khoa học. Ðối với KHXH, công bố quốc tế không chỉ giúp lan truyền tri thức VN tới cộng đồng học thuật, giới thiệu đất nước, con người VN ra thế giới, mà còn là dịp tri ân những người đã đóng thuế để góp tiền cho hoạt động khoa học. Ðấy cũng chính là nhiệm vụ chính trị của người làm công tác NCKH”, GS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.