Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Tuấn Long- Phó trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội cho biết, sau thành công của dự án bảo tồn kiến trúc phố cổ Tạ Hiện vào năm 2012, biến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch của phố cổ Hà Nội, đơn vị tiếp tục thực hiện việc chỉnh trang kiến trúc các tuyến phố nghề.
Theo Ban Quản lý phố cổ, Hà Nội xưa có các phố nghề truyền thống, nhưng đến nay rất ít tuyến phố còn giữ được nghề, vì vậy việc triển khai dự án bảo tồn kiến trúc các tuyến phố nghề như phố Lãn Ông rất có ý nghĩa. Mục tiêu là bảo tồn, khôi phục không gian kiến trúc, không gian nghề truyền thống để mang lại cái nhìn toàn cảnh về lịch sử, văn hóa của những con phố này.
Ðể thực hiện các dự án này, Ban Quản lý phố cổ đã phối hợp với Viện Quy hoạch kiến trúc và một số cơ quan liên quan khảo sát hiện trạng, đánh giá loại hình kiến trúc của con phố. Trong đó lập phương án cải tạo cụ thể cho từng ngôi nhà từ hình thức kiến trúc mặt đứng, hệ thống mái, hệ thống cửa, mái hiên, biển hiệu quảng cáo, màu sắc của các công trình... theo hướng khôi phục những yếu tố nguyên gốc, cải tạo những yếu tố xây mới theo phong cách kiến trúc truyền thống.
“Việc chỉnh trang mặt đứng các tuyến phố nghề không chỉ sửa chữa hay quét vôi bên ngoài mà vẫn phải tháo dỡ, sửa chữa, cải tạo không gian kiến trúc không phù hợp để trả lại kiến trúc truyền thống nhưng vẫn đảm bảo không gian sinh hoạt, kinh doanh cho các hộ dân”, kiến trúc sư Thái Duy Anh - cán bộ Ban Quản lý phố cổ cho biết.
Kiến trúc sư Thái Duy Anh cho biết thêm, sau khi tiến hành chỉnh trang, các ngôi nhà hai bên phố nghề Lãn Ông sẽ mang dáng dấp truyền thống với việc lợp mái bằng ngói ta; thay các cấu kiện gỗ như xà gồ, cầu phong, li tô… Các bảng hiệu của các cửa hàng kinh doanh cũng sẽ có thiết kế chung tạo sự hấp dẫn cho cả tuyến phố.
Dự án chỉnh trang, bảo tồn mặt đứng phố nghề Lãn Ông được triển khai gồm 42 biển số nhà. Dự án được triển khai bắt đầu từ phố Chả Cá đến phố Thuốc Bắc với chiều dài 120m.