Sống cùng gián, chuột nhưng hái ra đô
Mang mác “phố cổ”, gần trung tâm và dễ hái ra tiền, chỉ cần sở hữu căn nhà chỉ vỏn vẹn 1 đến 2 m2 thì chủ nhân của chúng cũng hái ra cả tiền triệu mỗi ngày.
Chị Nguyễn Thu Hoài, một người bán hàng nước tại phố Hàng Buồm chia sẻ, “Mỗi mét đất ở phố cổ có giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí có nơi còn hàng tỉ. Thế nên, chỉ cần có 1m2 đất thôi cũng đã có cả tỉ đồng. Đất ở phố cổ là đất vàng, đất kim cương, đất hải ra… USD”.
Theo chị Hoài, sở dĩ như vậy nên dù có khổ đến mấy người dân phố cổ cũng không dời đi. “Mấy năm trước tôi có nghe chủ trương chuyển chúng tôi ra ngoại thành. Thế nhưng ra đó thì sống sao nổi. Chúng tôi là những người dân lao động, không được học hành tử tế. Chính vì thế việc mưu sinh chủ yếu là buôn bán, giờ chuyển đi, không có việc làm thì sống khổ hơn”.
Cùng quan điểm với chị Hoài, anh Nguyễn Hoài Nam làm nghề buôn bán đồ lưu niệm chia sẻ, “Ra ngõ thì gặp hàng quán, muốn ăn gì, làm gì chả được. Giải trí thì có rạp phim ở Vincom, trung tâm thương mại ở Tràng Tiền và các khu khác quanh hồ Hoàn Kiếm. Người khác muốn ở đây chẳng được, chúng tôi chuyển đi làm gì”.
Theo lời anh Nam thì ở phố cổ, rất ít người có ý định rời đi. Một phần bởi họ còn kỳ vọng đất ở đây sẽ tiếp tục đắt lên, một phần khác cũng bởi nơi đây dễ làm ăn, buôn bán. Chính vì vậy, dù ở cùng gián chuột, họ vẫn quyết bám trụ nơi phố cổ.
“Không bán đất nhưng tự mở hàng buôn bán hay cho thuê cũng kiếm đến vài chục triệu mỗi tháng. Chúng tôi thà chịu khổ một chút mà có tiền còn hơn sống thoải mái nhưng lại túng thiếu”, anh Nam chia sẻ thêm.
"Giàu nhà quê không bằng ngồi lê phố cổ"
“Các cụ ta vẫn thường nói: “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê phố cổ”. Nhiều người ở quê làm quần quật cả năm cũng chưa chắc đã đủ chi tiêu. Thế nhưng, chỉ cần ở phố, hàng ngày bán cho khách Tây dăm ba cốc nước, vài gói thuốc, viên kẹo cũng đủ sống”, chị Bùi Hoa chia sẻ.
Đại đa số người dân phố cổ vẫn sống khổ sở, chật chội, ẩm thấp trong căn nhà vài mét vuông chứ không chịu rời đi.
Theo tìm hiểu của PV, quanh khu vực các tuyến phố như Hàng Buồm, hàng Khay, Hàng Bông, Hàng Bạc,… những quán cóc, hàng nước chỉ từ 1-2m2, thậm chí chỉ ngồi bán chui ở vỉa hè cũng kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Tại một con ngõ chuyên bán hàng ăn, giá của một đĩa nem chua rán be bé hay đĩa khoai tây chiên… cũng lên đến cả trăm nghìn đồng, ấy vậy mà khách vẫn ăn rào rào. Đó là chưa kể đến những cửa hàng sang trọng buôn bán đồ thời trang, túi xách hay mỹ phẩm thì… một ngày cũng bỏ túi cả chục triệu.
Những mặt hàng bình dân hơn như quán nước, quán ăn vặt thì nhan nhản ở phố cổ, song chúng lại được xem là dịch vụ hái ra tiền nhất. Nhiều khi chỉ cần một cái bàn bé, mấy cái ghế nhựa là cũng có thể buôn bán.
Theo một chị bán hàng nước ở phố Hàng Khay kể thì “Bán nước, bán bún là nghề phụ. Kiếm được tiền chính thì phải nhắc đến nghề trông giữ xe”. Bởi theo chị: Nghề giữ xe ở đây được coi là một nghề “hot” và dễ hái ra tiền nhất. “Giá mỗi lần gửi xe máy của một người lên tham quan phố cổ hay dạo quanh Hồ Gươm cũng 10 đến 15 nghìn đồng. Nếu có hội hè, đình đám thì có thể lên tới 50 nghìn đồng. Số tiền đó quả thực rất dễ kiếm”, chị chia sẻ.
Phố cổ, đằng sau những cửa hàng mặt phố hào nhoáng, tấp nập là những hình ảnh nhếch nhác, tối tăm, bẩn thỉu và chật chội. Thế nhưng dù dân phố cổ họ có khổ đến mấy, dù đã có rất nhiều chính sách, giải pháp di dân được đưa ra nhưng đại đa số họ vẫn sống, vẫn chịu đựng để mưu sinh, buôn bán chứ nhất quyết không chịu dời đi.
Theo Hạnh Thuý - Minh Anh