Bảo tồn hổ bằng cách nấu cao là đúng luật?

Các nhà bảo tồn cho rằng cần phải tiêu hủy các sản phẩm hổ từ đường dây tiêu thụ động vật hoang dã Ảnh: Mỹ Hằng
Các nhà bảo tồn cho rằng cần phải tiêu hủy các sản phẩm hổ từ đường dây tiêu thụ động vật hoang dã Ảnh: Mỹ Hằng
TP - Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc xác định giá trị và chuyển giao xác hổ cho Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Thanh Hóa nghiên cứu bào chế thuốc chữa bệnh là hoàn toàn có cơ sở pháp luật.

Bảo tồn hổ bằng cách... nấu cao?

Các nhà bảo tồn cho rằng cần phải tiêu hủy các sản phẩm hổ từ đường dây tiêu thụ động vật hoang dã Ảnh: Mỹ Hằng
Các nhà bảo tồn cho rằng cần phải tiêu hủy các sản phẩm hổ từ đường dây tiêu thụ động vật hoang dã. Ảnh: Mỹ Hằng.

Trộn hổ với sơn dương 

Sau khi báo Tiền Phong thông tin về vụ UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép đấu giá cao hổ, ngày 3-12, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã có báo cáo giải trình về vụ việc trên.

Theo đó, xác hổ được đem nấu cao có nguồn gốc từ một vụ vận chuyển trái phép. Ngày 13-8-2010, Đội Kiểm lâm cơ động (KLCĐ) số 1 thuộc Chi cục Kiểm lâm Thanh Hoá bắt giữ một xác hổ ướp đá lạnh vứt từ ô tô khách (BKS 38N 44 97) xuống Quốc lộ 1A, địa phận xã Quảng Ninh, huyện Quảng Xương. Lực lượng chức năng lập biên bản kiểm tra, niêm phong và giao xác hổ này (61kg) cho Đội KLCĐ số 1 bảo quản, lưu giữ. Hổ đã có mùi hôi thối và không mang mầm bệnh.

Sau một thời gian điều tra không xác minh được đối tượng vi phạm, Chi cục trưởng Kiểm lâm Thanh Hóa đã sung công quỹ, chuyển giao xác hổ cho Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Thanh Hoá để bào chế thuốc. Giá trị của xác hổ được xác định là 91 triệu đồng, căn cứ theo Nghị định 128/2008/NĐ-CP.

Bệnh viện Y học dân tộc Thanh Hóa nấu cao theo phương pháp cổ truyền, có kèm theo các phụ gia như xương sơn dương, gạc hươu, chất bảo quản khác. Việc xác định chi phí nấu cao, được căn cứ vào giá thành của xác hổ và giá mua các loại xương khác trên thị trường như xương sơn dương, gạc hươu, các chất bảo quản khác và ngày công lao động thực tế. Tổng chi phí gần 126 triệu đồng; giá thành hơn 4,1 triệu đồng/100 gram. Bệnh viện đề xuất nhượng bán để phục vụ sức khỏe cán bộ và bệnh nhân (giá bán 6 triệu đồng/100gram).

Tuy nhiên, khi được hỏi số 75% xương các loài khác lấy ở đâu ra (sơn dương thuộc nhóm nghiêm cấm khai thác và sử dụng vì mục đích thương mại - giống hổ), các cơ quan chức năng Thanh Hóa nói rằng đó là do đấu giá tịch thu từ các vụ việc khác!

"Như vậy, việc xác định giá trị cũng như chuyển giao xác hổ trong vụ vi phạm nêu trên cho Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Thanh Hoá nghiên cứu bào chế thuốc chữa bệnh là hoàn toàn có cơ sở pháp luật" - Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Thanh Hóa khẳng định.

Phải tiêu hủy

Đến nay số cao hổ thành phẩm 2,77 kg vẫn đang được bảo quản tại Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Quá trình giải quyết tiếp theo, các ngành sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định của pháp luật để phục vụ cho việc khám chữa bệnh.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, ý kiến của ENV là phải tiêu hủy số cao nói trên. Các cơ quan chức năng cần nhận rõ nguy cơ của hành động này như một sự tiếp tay, hợp pháp hóa việc tiêu thụ động vật hoang dã. Tất nhiên, cùng với đó, cần phải hoàn thiện luật pháp để tránh các lỗ hổng không đáng có.

"Kiểm lâm Thanh Hóa nói rằng, để sử dụng những mục đích đặc biệt. Nhưng việc xác định các mục đích đặc biệt như thế nào thì cuối cùng cũng tới tay những người tiêu dùng, tức là vẫn thuộc đường dây tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã. Bản thân các cơ quan chức năng phải kiên quyết thể hiện sự mạnh tay của mình đối với các vụ việc như thế này. Một khi các cơ quan chức năng cũng tỏ ra tiếc và coi trọng các sản phẩm này thì làm sao tránh được tư tưởng tương tự trong dân chúng?" - Bà Dung nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG