Bão số 9 gây nguy hiểm thế nào cho miền Trung?

Bão số 9 khả năng sẽ gây mưa lớn cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên
Bão số 9 khả năng sẽ gây mưa lớn cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên
TP - Trong khi hậu quả trận mưa lũ làm 20 người chết, mất tích ở Khánh Hòa vẫn đang khắc phục, miền Trung có nguy cơ dồn dập đón những trận mưa lũ lớn mới, đặc biệt là khu vực từ Quảng Ngãi đến Bà Rịa-Vũng Tàu, do cơn bão số 9 được dự báo vào biển Đông vài hôm tới.

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết, khoảng đêm 20/11, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) sẽ đổ bộ vào khu vực miền Trung của Philippines và mạnh lên thành bão cấp 8, giật cấp 10. 

Sau khi mạnh lên thành bão, cơn bão này sẽ di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 25km/h. Khoảng chiều tối và đêm 21/11, bão sẽ vượt qua khu vực đảo Palawoan của Philippines và đi vào biển Đông và có khả năng mạnh thêm. Như vậy, khả năng đây là cơn bão số 9 ảnh hưởng nước ta trong năm 2018.

Theo ông Lâm, khi đi vào biển Đông, do điều kiện nền nhiệt nước biển đang cao (trên 27 độ C), cùng đó, ở phía Bắc vào chiều và đêm 21/11 có một bộ phận không khí lạnh di chuyển từ phía Bắc xuống, sự tương tác giữa không khí lạnh và bão sẽ khiến cho diễn biến đường đi và cường độ của bão số 9 rất phức tạp, không khí lạnh có thể khiến bão suy yếu và gây mưa ít. Tuy nhiên, không khí lạnh cũng có thể làm cho cường độ bão mạnh lên, hướng di chuyển của bão cũng có thay đổi. Chẳng hạn, nếu không khí lạnh mạnh có thể sẽ làm cho bão di chuyển lệch hơn về phía Nam, do đó, việc dự báo khu vực đổ bộ của bão số 9 là rất khó.

“Theo dự báo của chúng tôi thì khả năng bão và không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đồng thời, vì thế khi đi qua khu vực quần đảo Trường Sa, bão có khả năng sẽ mạnh lên tới cấp 9-11 và khu vực khả năng ảnh hưởng của bão số 9 sẽ là các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào đến Bà Rịa - Vũng Tàu”, ông Lâm nhận định. Ông Lâm nhận định, khoảng 7 giờ ngày 23/11, bão số 9 cách bờ biển các tỉnh Nam Trung bộ khoảng 250km về phía Đông, với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. 

Nhiều khả năng trong chiều và tối ngày 23/11 bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ngãi trở vào đến Bà Rịa - Vũng Tàu, cường độ của bão khi đổ bộ có thể lên tới cấp 8-9. Dự báo, ngày 20/11, kịch bản có nhiều khả năng xảy ra nhất là các tỉnh Nam Trung bộ và khu vực Nam bộ sẽ chịu ảnh hưởng của cơn bão này.

Trong đó, khu vực từ Quảng Ngãi trở vào đến Bà Rịa - Vũng Tàu là những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 9, vùng ven biển các tỉnh này ngày 23/11 sẽ có gió mạnh cấp 6-7, vùng ven biển các tỉnh nơi tâm bão đi vào sẽ có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 -12.

Không dự báo nổi mưa lớn do “vùng mù” hay năng lực yếu?

Theo dự báo của cơ quan khí tượng Việt Nam, bão số 9 và không khí lạnh sẽ tương tác với nhau gây mưa to đến rất to các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận, khu vực Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, phần phía Bắc của các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đợt mưa này sẽ bắt đầu ngày 22/11, khi không khí lạnh ảnh hưởng đến Trung bộ, sau đó tương tác của không khí lạnh và bão sẽ bắt đầu gây mưa to đến rất to ở miền Trung từ ngày 23/11. 

Mưa lớn được dự báo nhiều khả năng kéo dài liên tục từ ngày 23-28/11, trong đó trọng tâm mưa lớn là từ các tỉnh Quảng Trị đến Bình Thuận với tổng lượng mưa có thể lên tới 300-500mm. Khu vực Khánh Hòa cũng là vùng trọng tâm mưa, trong đó mưa sẽ xảy ra dồn dập trong hai ngày 23-24/11, với tổng lượng mưa mỗi ngày có thể lên tới 200-300mm.

Thông tin về khả năng mưa lớn sẽ tiếp tục gây nguy cơ lũ quét, ngập lụt uy hiếp các tỉnh miền Trung, đặc biệt là khu vực Khánh Hòa, nơi vừa xảy ra trận mưa lũ lịch sử, làm chết và mất tích tới 20 người ngay trong TP Nha Trang. 

Theo ông Lâm, mạng lưới đo đạc và điện báo khí tượng thủy văn bề mặt trên các lưu vực sông Nam Trung bộ vẫn còn ít, phân bố không đều trên lưu vực, thường tập trung ở hạ lưu, thưa hoặc không có ở vùng thượng lưu, vùng núi hiểm trở, nơi thường là các nguồn phát sinh mưa lũ.

Mặt khác, khu vực Nam Trung bộ với điều kiện sông suối ngắn dốc, mưa lớn tập trung trong thời đoạn ngắn, cường suất lũ lên nhanh xuống nhanh, nên thời gian dự kiến của dự báo thường ngắn. Do vậy, việc dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất cho khu vực này rất khó.

Đáng lo ngại, theo lãnh đạo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, TP Nha Trang nằm trong “vùng mù” của rada tại Nha Trang. Do bị che lấp của nhiều công trình nhà ở cao tầng, sóng rada bị nhiễu nên tín hiệu phản hồi rada bị nhiễu, không xác định được các ổ mây gây lượng mưa lớn.

Cùng đó, sự phát triển của các khu đô thị, nhà ở ven biển... đã làm hạn chế hệ thống thoát nước, nhiều khu dân cư “mọc” ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, hay việc san, lấp các khu vực đồi núi để xây dựng nhà... cũng cần cảnh báo.

Sẵn sàng phương án ứng phó bão mạnh, lũ lớn

Ngày 20/11, trước bão số 9 ảnh hưởng các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, đặc biệt là mưa lớn, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương nói trên sẵn sàng phương án ứng phó với bão mạnh, lũ lớn. Theo đó, trên biển, các địa phương kiểm tra, rà soát đảm bảo thông tin liên lạc với hệ thống tàu cá, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu; hệ thống nuôi trồng thủy sản. 

Các địa phương chủ động lên phương án sơ tán dân khỏi vùng trũng, thấp, nguy cơ xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở; có phương án đảm bảo an toàn cho người dân tại khu công nghiệp, khu du lịch, nuôi trồng thủy sản. Các địa phương hướng dẫn người dân gia cố nhà cửa, kho tàng, cột tháp, chặt tỉa cây xanh ở các khu đô thị. Triển khai các lực lượng, nhất là tổ, đội xung kích phòng chống thiên tai tại xã, thôn, bản với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt, lưu ý các khu vực tắc nghẽn dòng chảy... đề phòng lũ quét khi có mưa lớn.

Ông Cường cũng đề nghị các địa phương tính toán vận hành hồ chứa, nhất là hồ chứa xung yếu, hồ chứa nhỏ, hồ xây dựng tự phát trong các khu đô thị, dân cư tập trung.

Nam Khánh

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.