> Bão số 10 tàn phá miền Trung
> Bão số 10 đổ bộ Quảng Bình
Tình trạng xâm thực bờ biển tiếp tục lan rộng. Đến chiều tối 30/9, một số tuyến giao thông vẫn còn ngập lụt, chia cắt. Các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam dù không “lọt” vào tâm bão cũng phải hứng chịu thiệt hại lớn.
Quảng Trị: Tốc mái hàng ngàn nhà dân
Bão số 10 cũng đã gây ảnh hưởng nặng ở huyện Vĩnh Linh, phía bắc tỉnh Quảng Trị từ trưa cho đến chiều 30/9.
Báo cáo nhanh của huyện Vĩnh Linh cho biết hơn 1.000 nhà dân và phòng học bị tốc mái, nặng nhất là các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Tú, Vĩnh Chấp. Ngoài ra, một diện tích lớn trong 7.000 ha cây cao su tiểu điền của người dân Vĩnh Linh bị gãy đỗ.
Bão số 10 uy hiếp bờ biển Quảng Bình. |
Tại xã Vĩnh Thái, ở vùng cửa biển có đến 600 nhà bị tốc mái, 7 nhà bị sập. Ông Vũ Văn Phong, Chủ tịch xã cho biết bão vào vùng này hồi 13h ngày 30/9 gây thiệt hại nặng, có 7 thôn trong xã mà thôn nào cũng bị ảnh hưởng rất nặng.
Theo ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch huyện Vĩnh Linh, bước đầu có hai người dân bị thương nặng do cây gãy đổ đè lên trong khi tham gia phòng chống bão, một người ở xã Vĩnh Thạch, người còn lại ở xã Vĩnh Nam.
Tại các vùng ven biển như Cửa Tùng, Vĩnh Thạch của huyện Vĩnh Linh sóng biển ầm ập đổ vào bờ cao hơn 3 mét. Tại bãi biển của thị trấn Cửa Tùng, gió đã thổi rất mạnh. Tại huyện đảo Cồn Cỏ cho biết bão vào làm tốc mái 2 ngôi nhà, trụ sở UBND huyện đảo cũng bị gió to đập vỡ kính, hư hỏng.
Huyện Gio Linh, vùng cửa biển thuộc xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt thiệt hại khá nặng về nhà cửa. Theo chủ tịch huyện Gio Linh Trần Ngọc Lân, thống kê ban đầu có hơn 500 nhà dân bị tốc mái. Trong số 280 nhà dân ở xã Gio Mai được di dời đi sơ tán thì sau đó bão vào đã giật làm tốc mái đến 216 nhà. Diện tích cao su ở miền tây của huyện cũng gãy đổ nhiều chưa thống kê được.
Ông Võ Thanh, Phó Chủ tịch huyện miền núi Hướng Hóa cũng lo ngại, mặc dù lượng mưa còn ít, nhưng chủ động phòng tránh những cơn lũ ống, lũ quét bất ngờ có thể xảy ra nên đến cuối ngày 30/9 huyện đã triển khai xong việc sơ tán di dời 1.300 hộ dân dọc sông Sê pôn thuộc 6 xã Tân Thành, Tân Long, Thanh, Thuận, Xi, A Túc và thị trấn Lao Bảo tập kết đến các điểm an toàn.
TT-Huế: Tê liệt giao thông liên lạc
Người dân được sơ tán đến nơi an toàn. Ảnh: PV. |
Từ khuya 29 đến trưa 30/9, tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) xuất hiện gió bão cường độ lớn làm sập và tốc mái gần 100 ngôi nhà dân, nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng du lịch; hàng trăm cây xanh bị đổ, nhiều trụ điện hư gãy. Riêng nhà hàng nổi Việt Long trên đầm Lập An bị bão đánh chìm hoàn toàn.
Cũng tại huyện Phú Lộc, dải bờ biển xã Vinh Hải dài 4,5km bị sóng xâm thực sâu từ 10 đến 12m, triều cường cao trên 3m đánh hỏng gần như hoàn toàn tuyến đê bao bảo vệ bờ biển vừa thi công trước bão số 8. Còn tại xã Vinh Hiền, tuyến đê bao dài 7km cũng bị sóng biển xâm thực sâu từ 5 đến 7m. Một người dân xã này trượt ngã gãy chân trong lúc neo thuyền đánh cá vào bờ.
Tuyến Quốc lộ 49 nối thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) với xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) còn ngập sâu nhiều điểm, giao thông chia cắt. Lực lượng CSGT Phú Vang phải túc trực để ngăn người dân đi qua vùng nguy hiểm. Tại thị trấn Thuận An, các khu kinh doanh du lịch ven biển trở nên tan hoang, trơ trụi sau khi bão đi qua, tình trạng sạt lở bờ biển tiếp diễn. Gió bão kèm triều cường dâng cao hơn 2m mang sóng lớn tràn qua các nhà hàng, cuốn vào rừng phi lao phòng hộ đập Hòa Duân phía trong.
Hàng chục cây xanh trong khuôn viên trường Tiểu học Phú Tân (Phú Vang) cũng bị bật gốc, đường dây điện dẫn vào trường hư hỏng hoàn toàn. Tại TP Huế, gió bão làm cho hệ thống cây xanh ven đường phố bị gãy, đổ hàng loạt, gây ách tắc giao thông cục bộ. Nhiều biển hướng dẫn giao thông, bảng quảng cáo, mái che hàng quán ven đường bị gió bão quật ngã…
Đến chiều tối 30/9, hệ thống điện sinh hoạt nhiều nơi trên địa bàn tỉnh TT-Huế tiếp tục tê liệt do sự cố đường dây, cột trụ, thiết bị truyền dẫn bị gió bão, cây lớn ngã đổ lên làm hư hỏng. Nhiều vùng, hệ thống thông tin liên lạc nhà dân bị gián đoạn do mưa bão tàn phá.
Hội An: Sạt lở nghiêm trọng biển Cửa Đại
Điểm nuôi trồng thủy sản ven biển, đầm phá Phú Vang bị gió bão xô sập. Ảnh: Ngọc Văn. |
Hơn 130m bờ biển nằm giữa 2 dự án du lịch đang thi công là Fusion ALYA và Vinpearl Resort Hội An nằm trên địa phận phường Cửa Đại - TP Hội An (Quảng Nam) đã bị biển xâm thực vào sâu trong đất liền hơn 15m chỉ sau 2 ngày mưa to và sóng lớn (29 và 30/9). Hàng trăm mét tường kè tại khu du lịch Fusion ALYA đang thi công, sóng lớn quật vào gây sụt lún nghiêm trọng, có đoạn đã bị sạt lở nặng.
Ông Lê Công Sỹ – Phó chủ tịch phường Cửa Đại, cho biết: Phường có 6 khu du lịch nằm dọc theo chiều dài hơn 3km bờ biển, trong đó có 4 khu du lịch đã đưa vào sử dụng. Hiện các tuyến kè của các khu du lịch này đang bị sóng lớn đe dọa gây sụt lún. Riêng đoạn bờ biển dài hơn 100m nằm giữa 2 Khu du lịch Cát Vàng và Sunrise, cũng đã bị biển xâm thực 15-20m từ sau cơn bão số 8 đến nay.
Những năm trước, tại phường Cửa Đại, biển đã xâm thực sâu vào đất liền cả trăm mét, có nguy cơ mở cửa biển mới tại khu vực tiếp giáp với vịnh Tùng Ao. Từ sau khi đầu tư xây dựng hoàn thành đoạn kè biển mới nằm trên trục đường Âu Cơ có chiều dài 713m với kinh phí trên 50 tỷ đồng đến nay, khu vực này đã tạm ổn. Tuy nhiên, ông Lê Công Sỹ cho rằng, tuyến kè này sẽ không vững chắc khi ở 2 đầu tuyến vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng xâm thực nghiêm trọng như hiện nay.
Sơ tán hơn 72.000 dân Cuối giờ chiều 30/9, Trung tâm PCLB khu vực miền Trung-Tây Nguyên cho hay, đến 14 giờ 30 chiều 30/9, 23 huyện thị vùng tâm bão số 10 trên địa bàn Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã sơ tán gần 21.000 hộ dân với tổng số hơn 72.000 người. Công tác di dời, sơ tán dân được tiến hành chủ động, khẩn trương, chủ yếu bằng hình thức sơ tán tại chỗ. Theo kế hoạch, các tỉnh này sẽ phải sơ tán đến hơn 22.000 hộ/81.686 dân. Trong đó, tại 10 huyện thị Quảng Trị di dời gần 44.000 dân, Thừa Thiên-Huế có gần 11.000 người tại 6 huyện thị phải di dời, và con số này tại Quảng Bình gần 4.200 hộ/18.000 người. Tại Đà Nẵng, mưa ngớt dần từ đầu giờ chiều, gió giảm nhanh. Ghi nhận nhanh, Đà Nẵng không có nhiều thiệt hại đáng kể. Tình hình tàu thuyền neo đậu ổn định. |