Bao phủ Bảo hiểm y tế vượt mục tiêu đề ra

0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu Quốc hội đặt ra cho năm 202 2 là bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) khoảng 92% dân số, thực tế thực hiện đã vượt mục tiêu này. Kết quả này có được từ một phần vào cuộc chủ động, quyết liệt của BHXH Việt Nam trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT.

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, Bộ Y tế vừa báo cáo Quốc hội về tình hình quản lý và sử dụng quỹ BHYT năm 2022. Theo đó, tới hết năm vừa qua, cả nước có hơn 91 triệu người tham gia BHYT, tăng hơn 2% so với năm trước đó, và đạt tỷ lệ bao phủ trên 92% dân số, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm.

Trong đó, nhóm tham gia BHYT do người sử dụng lao động và người lao động đóng hơn 14,98 triệu người, chiếm trên 16% tổng số người tham gia, tăng gần 1,2 triệu người so với năm 2021. Nhóm do quỹ BHXH đóng BHYT (đang hưởng các chế độ BHXH) hơn 3,38 triệu người, giảm hơn 70.000 người so với năm trước đó, và chiếm gần 4% số người tham gia BHYT. Nhóm tham gia BHYT hộ gia đình hơn 24,2 triệu người, chiếm gần 27% số người tham gia và tăng hơn 124.000 người so với năm trước.

Bao phủ Bảo hiểm y tế vượt mục tiêu đề ra ảnh 1
Bao phủ BHYT đã vượt mục tiêu đề ra.

Nhóm tham gia BHYT do ngân sách nhà nước nước đóng, hỗ trợ mức đóng trên 48,4 triệu người, chiếm trên 53% tổng số đối tượng tham gia, giảm nhẹ so với năm 2021. Trong đó, nhóm do ngân sách đóng hơn 27,2 triệu người, chiếm gần 30% số người tham gia (giảm hơn 700.000 người so với năm liền trước); nhóm do ngân sách hỗ trợ mức đóng trên 21,2 triệu người, chiếm trên 23% tổng số người tham gia, tăng hơn 1,7 triệu người so với năm 2021.

Năm 2022, cả nước có 2.690 cơ sở y tế ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, trong đó có 1.720 cơ sở công lập, còn lại là ngoài công lập. Ngoài ra, cả nước còn có hơn 10.000 cơ sở y tế là trạm y tế xã và tương đương, phòng khám đa khoa thực hiện khám chữa bệnh BHYT qua hợp đồng gián tiếp.

Về phát triển người tham gia BHYT năm 2022, Bộ Y tế chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong thực hiện chính sách, như: Chưa có hướng dẫn về phương thức đóng của người tham gia kháng chiến mà chưa quy định tại Nghị định 146/2018; Chưa có văn bản hướng dẫn việc thực hiện BHYT với một số nhóm như người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam, học sinh và sinh viên là người nước ngoài, người dân sinh sống tại các xã an toàn khu…

Cùng đó, chính sách đóng, hỗ trợ đóng BHYT chưa duy trì ổn định, bền vững với người dân tộc, người sinh sống vùng khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo mới thoát khó khăn. Nhóm này hơn 3,1 triệu người, trước đây được ngân sách hỗ trợ hoàn toàn, sau khi Quyết định 353/2022/QĐ-TTg có hiệu lực đã không còn được hỗ trợ, dù cuộc sống người dân còn khó khăn. Trong nhóm này, có hơn 2,6 triệu người đã không tiếp tục đóng BHYT khi hết hỗ trợ.

Chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ triển khai chính sách BHYT; chưa bố trí được nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho nhóm người khó khăn, hộ cần nghèo, học sinh, sinh viên…; việc chuyển kinh phí đóng, hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước còn chậm; việc lập danh sách nhóm được ngân sách đóng, hỗ trợ đóng chậm, nên việc cấp thẻ BHYT bị chậm.

Một số địa phương xem việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT là nhiệm vụ của riêng ngành Bảo hiểm xã hội, nên chưa có sự quan tâm đúng mức nhiệm vụ này. Còn một bộ phận người dân chưa nhận thức sâu sắc về chính sách BHYT, nên chưa chủ động tham gia.

Đặc biệt, tình trạng trốn chậm đóng, trốn đóng BHYT còn xảy ra ở một số đơn vị, địa phương; trong khi việc xử lý nợ BHYT ở các đơn vị khó có khả năng thu hồi như giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn vẫn còn vướng mắc, ảnh hưởng quyền lợi người lao động.

Bộ Y tế cũng nhìn nhận, một số quy trình kỹ thuật và tài liệu chuyên môn hướng dẫn chẩn đoán và điều trị chậm sửa đổi bổ sung; tiêu chí chỉ định khám chữa bệnh, nhập viện chưa được quy định đầy đủ. Dẫn đến việc thực hiện công tác giám định điện tử gặp khó khăn vướng mắc; chưa ban hành đầy đủ phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo luật định.

MỚI - NÓNG