Bảo lưu đề xuất quy định quân đội có ba Đại tướng

Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - trong một buổi trao, thăng quân hàm cho cán bộ trong ngành.
Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - trong một buổi trao, thăng quân hàm cho cán bộ trong ngành.
Dự thảo luật Sĩ quan QĐND lần tiếp thu, chỉnh sửa mới nhất, trình Quốc hội hôm nay (6/11), UB Thường vụ QH vẫn giữ quan điểm quy định trần quân hàm Đại tướng đối với Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị và Tổng Tham mưu trưởng giống như Bộ trưởng Quốc phòng.

Cụ thể, về vấn đề trần quân hàm cấp tướng, ở cấp bậc quân hàm Đại tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, đến thời điểm này, vẫn có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trần quân hàm Đại tướng của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trong mối tương quan với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và của Tổng Tham mưu trưởng quân đội vì về mặt nhà nước, Tổng Tham mưu trưởng là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, là cấp phó của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Quy định cả 3 vị trí Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng cùng có trần quân hàm Đại tướng, theo hướng lập luận này, sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc cấp trưởng phải cao hơn cấp phó 1 bậc.

Giải trình nội dung này, UB Thường vụ Quốc hội, nêu rõ, dự thảo Luật quy định Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Đại tướng bằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là kế thừa Luật sĩ quan hiện hành, đã được thực tiễn kiểm nghiệm từ khi có Luật sĩ quan năm 1958, phù hợp với tổ chức của QĐNDVN. Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Chính trị là người đứng đầu cơ quan chỉ huy, lãnh đạo QĐNDVN, có vai trò, vị trí rất quan trọng được quy định trong Hiến pháp, do Chủ tịch nước bổ nhiệm.

Vì vậy, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Ở cấp bậc hàm Trung tướng, có ý kiến đề nghị Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị có trần quân hàm Trung tướng, bằng Tư lệnh, Chính ủy Quân khu, Quân chủng.

Không đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lập luận, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là cấp trên của các đơn vị trong toàn quân, đồng thời là cấp phó của Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (có trần quân hàm là Đại tướng). Theo nguyên tắc cấp phó có trần quân hàm thấp hơn cấp trưởng một bậc thì các chức vụ trên có trần quân hàm Thượng tướng là phù hợp với thực tiễn.

Đối với cấp bậc quân hàm Trung tướng, UB Thường vụ Quốc hội cũng ghi nhận một số ý kiến đề nghị xem xét đối với Cục trưởng các cục trực thuộc Bộ Quốc phòng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng.

UB Thường vụ Quốc hội đã rà soát các Cục trực thuộc Bộ có tính chất quan trọng, có chức năng chỉ đạo toàn ngành, toàn quân để quy định trần quân hàm Trung tướng, tương đương Tổng cục trưởng. Theo đó, cơ quan này tiếp thu, bổ sung Cục trưởng có trần quân hàm Trung tướng, gồm các Cục Nhà trường, Tác chiến điện tử, Công nghệ thông tin, Cứu hộ - Cứu nạn, Đối ngoại.

Đối với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, UB Thường vụ Quốc hội đánh giá, đây là bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối của toàn quân, trung tâm điều trị, nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học, chuyển giao công nghệ y học tiên tiến đến các bệnh viện trong quân đội, điều trị cho cán bộ diện Trung ương quản lý. Giám đốc Bệnh viện là Phó Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội giữ như dự thảo Luật.

Đối với cấp bậc quân hàm Thiếu tướng, có nhiều ý kiến đề nghị rà soát lại các chức vụ, chức danh có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thiếu tướng để bảo đảm tiêu chí, vị trí có nhu cầu cấp Tướng.

Trên cơ cở các tiêu chí xác định vị trí có nhu cầu cấp Tướng đã được đa số ý ĐBQH tán thành, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, UB Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát quy định các chức vụ, chức danh có trần quân hàm Thiếu tướng, đồng ý như dự thảo luật trình Quốc hội.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị nâng trần quân hàm của Tư lệnh, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển lên Thiếu tướng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.

Về vấn đề cấp bậc hàm cao nhất trong quân đội tại Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Bộ tư lệnh TPHCM, UB Thường vụ QH đề cập ý kiến đề nghị Tư lệnh, Chính uỷ 2 Bộ Tư lệnh này mang trần quân hàm Thiếu tướng. Cũng có ý kiến đề nghị quy định trần quân hàm này đối với Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự các thành phố trực thuộc TƯ, các tỉnh thành có diện tích rộng, dan số đông, quản lý, chỉ huy số quân lớn.

Ý kiến này được cho là để “đối xứng”, cân bằng với đề xuất của ngành Công an về việc tăng số lượng cấp tướng đối với Giám đốc Công an 6 tỉnh thành trọng điểm.

UB Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm, việc thống nhất cấp hàm của Công an và Quân đội ở địa phương (tỉnh, huyện) là một chủ trương đúng, bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng an ninh ở địa phương và thống nhất trong hệ thống chính trị.

Hà Nội được đánh giá có vị trí chính trị, quốc phòng, an ninh rất quan trọng với vai trò là Thủ đô của cả nước. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cơ bản kế thừa nhiệm vụ và các đơn vị thuộc Quân khu Thủ đô trước đây. TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có vị trí chính trị, quốc phòng, an ninh quan trọng trong thế trận phòng thủ đất nước.

Căn cứ vào kết luận của Bộ Chính trị ngày 28/10 vừa qua về vấn đề này, UB Thường vụ Quốc hội đưa vào dự thảo luật quy định trần quân hàm cao nhất là Trung tướng đối với 2 Bộ Tư lệnh này. Còn Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh thành khác là Đại tá để thống nhất với quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an Hà Nội, Giám đốc Công an TPHCM và Công an cấp tỉnh.

Theo P.Thảo

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG