Bạo lực mạng xã hội: Gen Z làm gì để vượt qua?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chỉ vì một dòng trạng thái vu vơ được đăng tải trên Facebook sau khi gặp vấn đề với gia đình, Y. đã bị công kích nặng nề qua những lời bình luận trên mạng. Hoang mang, Y. đã phải cầu cứu chuyên gia tâm lý.

Câu chuyện được ThS tâm lý Phan Thị Mai Quyên (giảng viên trường Đại học Mở TPHCM) chia sẻ trong chương trình Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học với chủ đề “Ứng xử văn minh trên mạng xã hội” do báo Tiền Phong tổ chức tại trường THPT Bình Phú (quận 6, TPHCM) sáng 4/3.

Bạo lực mạng xã hội: Gen Z làm gì để vượt qua? ảnh 1

Hơn 2.000 học sinh trường THPT Bình Phú hào hứng tham gia chương trình Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học do báo Tiền Phong tổ chức (ảnh; Ngô Tùng)

Vô tình “chạm trán” căng thẳng

Năm lớp 10, Y. có học lực trung bình khá. Không muốn làm ba mẹ thất vọng, bước vào lớp 11, Y. quyết tâm học tập, tới mức học ngày, học đêm. Và, điểm số của em đã được cải thiện ở mức trung bình từ 7 - 8 điểm.

Vui mừng mang kết quả về khoe với mẹ với hy vọng nhận được sự động viên, khích lệ. Tuy nhiên, không như kỳ vọng, mẹ lại cho rằng Y. học ngày học đêm mà điểm chỉ ở mức khá là chưa tương xứng khiến em thất vọng và tủi thân.

Trong một lúc buồn vu vơ, Y. đăng tải dòng trạng thái “cuộc đời này không ai hiểu tôi, ngay cả ba mẹ của tôi” lên tài khoản Facebook cá nhân. Sau đó, em nhận được những bình luận tiêu cực đến từ nhiều người. Y. vô cùng hoang mang, không biết mình làm vậy là đúng hay sai nên đã “cầu cứu” chuyên gia tâm lý.

Với trường hợp này, ThS Phan Thị Mai Quyên nhìn nhận, Y. chỉ nói về một trạng thái cảm xúc của mình nhưng vô tình hành động chia sẻ trên mạng xã hội (MXH) đã đem lại sự căng thẳng nhất định. Chưa kể, em còn phải đối diện với áp lực dư luận trên không gian mạng.

Bạo lực mạng xã hội: Gen Z làm gì để vượt qua? ảnh 2

Thạc sĩ Phan Thị Mai Quyên giao lưu, chia sẻ với học sinh (ảnh: Ngô Tùng)

“Giới trẻ không nên nhìn MXH tiêu cực một cách quá đáng mà quan trọng là chúng ta sử dụng nó như thế nào. Không gian mạng cho chúng ta kết nối rộng hơn. Các bạn hãy suy nghĩ về nó một cách tích cực. Ngoài việc dùng MXH để kết nối với các bạn trong lớp, chúng ta có thể gần hơn với các bạn ngoài lớp, các bạn ở môi trường mới. Nhờ MXH, chúng ta có thể tiếp cận được nhiều thông tin. Phải biết cách nhận biết đâu là tốt, là xấu, hạn chế được những tâm lý bồn chồn khi sử dụng MXH”, cô Quyên nói.

Nữ diễn giả cũng chia sẻ một số phương pháp để giúp các bạn học sinh nhận biết mình có thực sự bị lệ thuộc vào chiếc điện thoại hay không bằng cách không mang điện thoại vào khu vực ngủ của mình, tự kiểm tra xem trong thời gian bao lâu chúng ta cảm thấy bồn chồn khi không sử dụng điện thoại và sau bao lâu thì cầm lại điện thoại của mình.

Đừng giải thích, đừng thanh minh

Ngoài câu chuyện của Y., chương trình cũng nhận được nhiều câu chuyện đến từ nhiều học sinh khác về áp lực từ MXH. L. (học sinh trường THPT Bình Phú) chia sẻ về việc mình vô cớ trở thành nạn nhân của bạo lực ngôn từ đến từ những người giấu mặt.

“Hằng ngày, họ gửi những tin nhắn khiêu khích, lời lẽ thô tục để xúc phạm, lăng mạ em bởi vì em trên mạng nhìn khác so với ngoài đời, vì em đã vô tình làm khó chịu một ai đó ở trường mà em không biết”, L. cho hay.

Bạo lực mạng xã hội: Gen Z làm gì để vượt qua? ảnh 3

Nghiên cứu sinh (NCS) Đào Lê Tâm An chia sẻ và hướng dẫn cho học sinh vượt qua bạo lực trực tuyến (ảnh: Ngô Tùng)

“Bạn của em từng bị bạo lực mạng chỉ vì muốn bảo vệ thần tượng của mình. Người thần tượng ấy không làm gì sai, chỉ là bị antifan tung tin giả nên bạn ấy muốn giúp thần tượng nhưng không ngờ bị nhiều người mắng chửi, nặng lời trên mạng. Bạn ấy đã xoá bình luận và khóc với em”, M. (học sinh trường THPT Bình Phú) kể về người bạn thân là nạn nhân của bạo lực MXH.

Theo Nghiên cứu sinh (NCS) Đào Lê Tâm An, hiện nay trên không gian mạng dần xuất hiện hiệu ứng ẩn danh của MXH. “Những gì đã làm trên MXH, các bạn nghĩ không ai bắt thóp được các bạn là ai nên các bạn công kích, tấn công người khác. Thậm chí, có bạn dùng Facebook để nói xấu trường của mình, vào các hội nhóm hóng phốt rồi gặp chuyên gia tâm lý chia sẻ vì sao mình stress, vì sao buồn... Đấy là các bạn đang dùng MXH để điều hướng cuộc đời mình theo hướng tiêu cực”, NCS Tâm An chia sẻ.

Chuyên gia này ví von MXH như một con dao, nếu rơi vào tay một người dùng sai cách thì sẽ trở thành công cụ gây án, dẫn tới các hành vi bắt nạt trực tuyến... Do vậy, các bạn trẻ nên sử dụng “con dao” này sao cho hiệu quả để tạo ra những “món ăn ngon”, tránh tạo nên nỗi đau cho người thân và người khác.

Bạo lực mạng xã hội: Gen Z làm gì để vượt qua? ảnh 4

BTC trao hoa cảm ơn các diễn giả đồng hành cùng chương trình (ảnh: Ngô Tùng)

Dẫn chứng từ những câu chuyện bị bắt nạt trực tuyến, NCS Tâm An cho rằng, trường hợp không thể nhờ gia đình, thầy cô, thậm chí là cơ quan chức năng giúp đỡ thì các nạn nhân hãy im lặng, đừng cố gắng thanh minh và giải thích vì điều đó có thể đẩy sự việc đi xa hơn.

Chương trình "Hỗ trợ tâm lý học đường - Đưa chuyên gia đến với trường học" do Báo Tiền Phong phối hợp cùng AIA Việt Nam, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trường ĐH Mở TPHCM, Nam Á Bank tổ chức.

Trong năm học 2023 - 2024, chương trình sẽ đưa các chuyên gia tâm lý, hướng nghiệp tuyển sinh đến các trường THPT trên địa bàn TPHCM để chia sẻ, giao lưu, lắng nghe tiếng nói của học sinh trong mọi vấn đề như ứng xử văn minh trên mạng xã hội, cảnh báo, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường, giảm stress trong học tập, chọn ngành, chọn nghề...

MỚI - NÓNG