Bao giờ VFF chuyển giao hợp đồng cho VPF?

VPF vẫn đang “ngóng” hợp đồng chuyển nhượng quyền tổ chức các giải chuyên nghiệp để có thể “nói chuyện” với AVG Ảnh: VSI
VPF vẫn đang “ngóng” hợp đồng chuyển nhượng quyền tổ chức các giải chuyên nghiệp để có thể “nói chuyện” với AVG Ảnh: VSI
TP - Trả lời báo chí sau phiên họp BCH ngày 28-2 vừa qua, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết, do hợp đồng phức tạp nên VFF cần chờ ý kiến của Vụ pháp chế Bộ VH-TT&DL đồng thời phải ngồi lại với VPF một lần nữa trước khi bàn giao.

> “VFF chưa có cách làm hợp lý”

Không hiểu hợp đồng trên phức tạp như thế nào, nhưng tính tới thời điểm hiện tại, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) đã chính thức ra đời và hoạt động được gần ba tháng. Trong thời gian trên, VPF trên thực tế đã đảm nhiệm toàn bộ khâu quản lý, tổ chức và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp VN.

Cụ thể là Giải VĐQG và giải Hạng Nhất quốc gia đều đã qua được bảy vòng đấu. Theo đánh giá của Tổng cục TDTT, thì dù vẫn còn xảy ra một số sự cố, nhưng về cơ bản VPF đã làm tốt công việc.

Mặc dù Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên khẳng định đây chỉ là vấn đề thủ tục, nhưng rõ ràng VPF đang rất sốt ruột. Dư luận thời gian qua thậm chí đã đặt vấn đề, phải chăng VFF đang làm khó VPF do những bất đồng quanh câu chuyện bản quyền truyền hình.

Bản thân Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khi được hỏi cũng ít nhiều nhắc VPF về điều này, khi cho rằng để được chuyển giao VPF cần phải tôn trọng quyết định của các cơ quan luật pháp cũng như đáp ứng được các yêu cầu nhất định.

Thực tế rất rõ ràng, do chưa được bàn giao hợp đồng, VPF đã không có cơ sở pháp lý để tiến hành đàm phán với AVG (Công ty nghe nhìn toàn cầu) trong vấn đề bản quyền truyền hình. Công văn trả lời VPF của AVG vừa qua đã khẳng định chỉ đàm phán với VPF chừng nào VPF có đầy đủ cơ sở pháp lý.

Trao đổi với Tiền Phong ngày 28-2, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đã tỏ ra rất thất vọng. “Chúng tôi thật sự rất muốn hỏi tất cả, là từ khi được thành lập đến nay, VPF đã làm gì gây thiệt hại cho VFF cũng như bóng đá VN? Về công tác tổ chức giải đấu, chúng tôi vẫn đang nỗ lực và hoàn thiện qua từng ngày.

“Đối với vấn đề bản quyền truyền hình, mục tiêu từ đầu đến cuối của VPF là làm sao các CLB cũng như bóng đá VN đạt được lợi ích cao nhất. Một bản hợp đồng kéo dài tới 20 năm, với nhiều điều khoản bó buộc tất cả các thành phần tham gia vào bóng đá sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của bóng đá VN.

Trong khi chúng ta không thể dự đoán được 20 năm tới, tình hình phát triển của bóng đá VN như thế nào, thì bản quyền truyền hình sẽ là nguồn thu chính cho các CLB.

“Với hợp đồng này, liệu còn ông chủ nào muốn đầu tư cho bóng đá? Ở đây không chỉ là vấn đề luật pháp, quan trọng hơn chúng ta cần thấy việc gì hợp lý, việc gì không. Tại sao hợp đồng lại phải kéo dài 20 năm liền, hoàn toàn trái với thông lệ quốc tế như vậy?”, ông Võ Quốc Thắng bộc bạch.

Không chỉ hợp đồng chuyển giao quyền tổ chức các giải đấu, Điều lệ và Quy chế bóng đá chuyên nghiệp 2012 đến thời điểm hiện tại vẫn chưa được phê duyệt.

Điều này liệu có từng diễn ra ở các mùa giải trước? Một câu hỏi khác dành cho VPF, nhưng chính xác hơn VFF cần trả lời, là khi chưa được chuyển giao hợp đồng, VPF lấy tư cách gì để tổ chức, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp VN bảy lượt trận vừa qua?

Nếu nói VPF làm chui, có lẽ cũng không oan.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG