Sáng 8/2, tại Trụ sở báo Nhân Dân diễn ra Hội nghị Giao ban báo chí đầu xuân Nhâm Dần 2022.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Ban Tuyên giáo T.Ư Lê Quốc Minh cho biết, năm 2022 và trong thời gian tới, một trong những thách thức lớn của báo chí Việt Nam là thu hút sự quan tâm của người dân, độc giả.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Lê Quốc Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Thắng |
"Nếu không thu hút được sự quan tâm của độc giả thì rất khó tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước. Làm thế nào để lớn mạnh cả về mặt nội dung, hình thức và kinh tế báo chí mà không phụ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới. Đây là một vấn đề vô cùng khó khăn", ông Minh nói.
Ông Minh chia sẻ, ông vừa đọc một bài báo nói về các cơ quan báo chí ở Mỹ bắt đầu chung tay xây dựng một đạo luật để yêu cầu các nền tảng như Google, Facebook phải trả tiền như đạo luật đã ban hành của nước Úc.
"Đến nay, các cơ quan báo chí Mỹ đã thấy sự chi phối quá lớn của các nền tảng xuyên biên giới và đã phải chung sức lại để xây dựng một đạo luật", ông Minh nêu.
Ông Minh cho biết, đã có lần ông chia sẻ, hiện nay chúng ta chưa có đủ sức mạnh về mặt truyền thông để đối chọi với các nền tảng xuyên biên giới, nhưng nếu tổ chức lại, có các biện pháp đúng đắn thì có hy vọng có biện pháp phù hợp yêu cầu các nên tảng lớn chia sẻ, trả tiền...
"Một điều quan trọng là chúng ta phải có nội dung tốt, nội dung chất lượng cao tuyên truyền đường lối của Đảng, Nhà nước và phải thuyết phục để đến được với mọi người dân. Đó là kỳ vọng của Hội nhà báo Việt Nam, của báo Nhân Dân và cũng là quan điểm của các lãnh đạo cơ quan báo chí...", ông Minh nói thêm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Ngọc Thắng |
Trao đổi tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, hiện nay thách thức với báo chí rất lớn. Hiện báo chí đang dùng phương tiện truyền thông xã hội như một cánh tay nối dài đến độc giả, nhiều báo làm rất tốt, kể cả các fanpage của các báo chính thống. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng là một thế lực cạnh tranh cả về tư tưởng, thông tin, cả về kinh tế...
Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ có các biện pháp, có sự chung tay không chỉ của báo giới mà của các cơ quan khác. Bộ TT&TT cũng đã thông tin sẽ có quy định để quản lý thông tin trên mạng. "Tới đây phải bàn để có những biện pháp mạnh mẽ để báo giới không bị lép vế", Phó Thủ tướng nói.Trao đổi tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, hiện nay thách thức với báo chí rất lớn. Hiện báo chí đang dùng phương tiện truyền thông xã hội như một cánh tay nối dài đến độc giả, nhiều báo làm rất tốt, kể cả các fanpage của các báo chính thống. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng là một thế lực cạnh tranh cả về tư tưởng, thông tin, cả về kinh tế...
Theo ông Đam, các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm nhiều hơn trong cung cấp thông tin cho báo chí. "Chúng ta chỉ có thể định hướng được nếu chúng ta cung cấp thông tin nhanh", Phó Thủ tướng nói, đồng thời cho biết, khi có các vấn đề được quan tâm, các cơ quan, địa phương phải có thông cáo báo chí hoặc gặp trực tiếp cung cấp thông tin cho báo chí.
Một vấn đề nữa, theo ông Đam, các cơ quan chức năng cũng phải "giúp các báo". Hiện nay, các báo đều là những cơ quan xử lý dữ liệu rất lớn. Bộ TT&TT, các nhà mạng sẽ giúp các báo để xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn, kết nối tất cả. "Báo chí bây giờ không nói theo cảm tính được. Nói phải có dữ liệu, phải có phân tích", ông Đam nói thêm.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, mỗi báo, mỗi người đều có quyền lợi riêng cho mình, cho tập thể cơ quan báo mình, nhưng phải vì cái chung, lo cho cái chung. Trách nhiệm chung là phải thi đua, cạnh tranh nhau để có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, có đông độc giả, nhưng cũng đứng chung trong mái nhà Hội Nhà báo Việt Nam, lo cho cái chung của sự nghiệp báo chí... Làm sao để sự nghiệp báo chí cách mạng, báo chí của nhân dân phát triển", Phó Thủ tướng nói.