Báo chí đang bỏ rơi văn hóa nghệ thuật?

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo
TP - Ngày 8/6/2019, Trường Đại học Văn Lang (TPHCM) đã tổ chức Hội thảo báo chí truyên truyền văn hóa nghệ thuật. Hội thảo thu hút nhiều văn nghệ sĩ và nhà báo tên tuổi tham dự. Đa số các nhà văn đều chung nhận xét “Phải chăng báo chí đang bỏ rơi văn hóa nghệ thuật”.  

Nhà văn nhà báo Dương Trọng Dật chủ trì cuộc hội thảo nhận xét: “Các tờ báo ngày nay dành rất ít đất cho văn hóa văn nghệ, những trang văn trang thơ ngày càng hiếm, thay vào đó là chuyện giải trí, câu khách, chuyện đời tư các nghệ sĩ. Tôi gửi một bài thơ đi các báo mà đến 2 năm sau mới đăng trên tuần báo Văn Nghệ, lý do là báo thiếu mục thơ và việc biên tập thơ rất bất cập”.

Nhà thơ Lê Minh Quốc tâm sự: “Tôi gặp ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ này bảo: các nhà báo văn nghệ đâu, các nhà văn đâu? Chúng em ra một CD, làm một chương trình nghệ thuật thì báo chí không quan tâm đến nội dung mà chỉ soi tìm xem chuyện đời tư, yêu ai, lấy ai, ăn mặc ra sao. Các anh đang đi đâu, đang viết cái gì?”. Nhà thơ Lê Minh Quốc cũng cho biết: “Hiện giờ các tòa soạn đều chạy theo lượng view, người xem ít thì không trả nhuận bút. Người viết báo chạy theo thị hiếu, đánh vào trí tò mò, rời xa đời sống văn nghệ”.

Báo chí đang bỏ rơi văn hóa nghệ thuật? ảnh 1 Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn cho rằng cần tạo ra không khí dân chủ trong tranh luận văn học trên báo chí để thúc đẩy sáng tác
Chia sẻ kinh nghiệm làm báo, nhà thơ Nguyễn Duy nói: “Thời đổi mới, chúng tôi làm văn nghệ phát hành hàng trăm ngàn bản mỗi kỳ, vì vậy phải nói là người Việt Nam rất yêu văn học nghệ thuật. Hiện nay, các trang báo văn nghệ ít người đọc, chất lượng kém, trước hết là do sản phẩm văn nghệ trên báo chí, cách viết, người viết kém chứ không thể đổ lỗi cho bạn đọc. Theo tôi, mặt bằng văn nghệ trên báo chí hiện nay thấp hơn mặt bằng văn hóa văn nghệ trong xã hội thì làm sao độc giả quan tâm nhiều?”.

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, nguyên là chuyên viên của Thành ủy TPHCM về báo chí, hiện là giảng viên Đại học Văn Lang nói: “Chúng ta có một thời đại văn chương, với những tác phẩm giá trị của Nguyễn Huy Thiệp, hay sau này là Nguyễn Ngọc Tư… đều có công sức lớn của báo chí. Tác phẩm ra đời, tạo ra sự tranh luận nhiều chiều, song văn học vẫn phát triển, các ý kiến đều được tôn trọng. Ngày nay, rất hiếm khi thấy có những cuộc tranh luận, trao đổi về văn học trên báo chí, trên truyền hình”.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, tác giả “Cù lao tràm” nhận xét: “Báo chí và văn học phải đi liền với nhau. Lúc tôi viết “Cù lao tràm”, có những báo đánh tôi, có những báo bảo vệ tôi. Đó là một không khí báo chí sôi động và có thể nói là không khí dân chủ không thể thiếu trong đời sống văn học nghệ thuật. Tôi mong rằng báo chí ngày nay cũng phải gắn bó với thời sự văn chương văn học”.

Tham dự hội thảo có nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo tên tuổi như nhà thơ Hà Phương, nhạc sĩ Trương Quang Lục, nhà báo Hồng Quân, Ánh Tuyết, nhiếp ảnh gia An Dung…  Các đại biểu tham dự đều nhận xét báo chí ngày nay thiếu đi chất văn chương. Lãnh đạo, biên tập, thậm chí người phụ trách văn hóa văn nghệ hiện nay ít sáng tác, ít người là nhà văn nhà thơ. Thậm chí một số tờ báo chuyên san văn hóa văn nghệ cuối tuần đa số đã giải thể hoặc thu hẹp quy mô, số trang. Một số tờ báo còn xóa sổ ban văn hóa văn nghệ để sát nhập với các ban khác….

 Các nhà văn nhà báo đều đồng tình và chia sẻ với ý kiến tâm huyết của Tiến sĩ văn học Trần Hoài Anh: “Chúng ta đang thấy đạo đức xã hội xuống cấp, nhưng các tờ báo văn chương, các trang văn học lại ngày càng ít đi. Chúng ta muốn bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc, xây dựng đạo đức tốt đẹp cho xã hội, chúng ta cần phát triển văn học nghệ thuật, trong đó báo chí chính là kênh quan trọng bậc nhất để đưa văn học nghệ thuật đến với xã hội. Báo chí cần nhận thấy vị trí vai trò của mình trong việc định hướng văn hóa đọc và đem bạn đọc đến với những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, từ đó mặt bằng dân trí ngày càng được nâng lên”.

MỚI - NÓNG