Báo cáo tham nhũng không nêu... các vụ tham nhũng

Báo cáo tham nhũng không nêu... các vụ tham nhũng
TPO - Trong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 của Bộ Công thương không nêu vụ việc liên quan tham nhũng tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa ký báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ năm 2013. Tuy nhiên, các vụ việc liên quan tham nhũng xảy ra được phát hiện trong năm 2012 tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam lại không được đưa vào báo cáo.

Lý do, theo một lãnh đạo Bộ Công Thương, là chưa có kết luận thanh tra và khi có, Bộ Công Thương sẽ công bố.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2012, các cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai đúng quy định. Tuy chưa phát hiện vụ việc tham nhũng, nhưng đã giúp các đơn vị được thanh tra, kiểm tra chỉnh đốn công tác quản lý, tăng cường hơn hoạt động phòng chống tham nhũng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong tại một cuộc họp báo mới đây về thông tin có hàng chục cán bộ lãnh đạo thuộc PVN bị cấm xuất cảnh, ông Nguyễn Minh Hồng - Phó Tổng giám đốc PVN cho biết, việc tạm dừng xuất cảnh hay cấm xuất cảnh là biện pháp nghiệp vụ của cơ quan an ninh điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra hoặc các cơ quan khác có thẩm quyền của Bộ Công an.

“Theo tôi được biết, những thông tin này là thông tin mật mà không ai có quyền được biết, trừ các cơ quan có trách nhiệm của Bộ Công an. Do đó, bản thân tôi cũng không biết bao nhiêu người, những ai bị cấm xuất cảnh” - ông Hồng nói.

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2012, việc thực hiện xử lý sau thanh tra cũng được đặc biệt chú trọng.

Điển hình, trong năm 2012, Bộ chỉ đạo Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp Việt Nam xem xét xử lý kỷ luật ông Nguyễn Văn Thuấn - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH một thành viên Xây lắp điện 2 vì đã vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Doanh nghiệp nhà nước trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch kiêm Giám đốc Cty.

Trong năm 2012, Bộ Công Thương cũng tham gia họp kiểm điểm Tập đoàn EVN, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam và Tổng công ty Giấy Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Ngoài ra, Bộ cũng giải quyết một số nội dung còn tồn đọng tại Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn, Trường ĐH Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty Dầu, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam.

Về kết quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua hoạt động thanh kiểm tra trong năm 2012, Bộ Công Thương đã thành lập 12 đoàn thanh tra theo kế hoạch (ba đoàn về chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; sáu đoàn về kinh tế - xã hội, ba đoàn về thực hiện quy hoạch điện lực).

Một đoàn khác cũng đã thanh tra đột xuất công tác tuyển sinh, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ và thu chi tài chính tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM.

Trong năm 2012, Bộ Công Thương nhận được 367 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ là 122, trong đó tố cáo, phản ánh, kiến nghị 115 đơn; khiếu nại bảy đơn.

Trong năm, Bộ Công Thương cũng tiếp 38 lượt người, trong đó có tám vụ đông người đến phòng tiếp công dân của Bộ khiếu nại, tố cáo.

Nội dung chủ yếu liên quan đến các vấn đề ô nhiễm môi trường, thu giữ hàng hoá lưu thông và tố cáo một số nội dung liên quan đến lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.