Hà Nội:

Báo cáo sai nguồn gốc đất thực hiện dự án khu đấu giá ở Sóc Sơn?

TPO - Việc thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có nhiều điểm mập mờ khiến người dân có đất bị thu hồi bức xúc, mong muốn được làm rõ.

Báo cáo sai nguồn gốc đất?

Báo Tiền Phong nhận được đơn phản ánh của người dân xã Tiên Dược liên quan đến việc thu hồi đất thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất (viết tắt là Dự án) tại thôn Dược Thượng (xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn).

Bà Phan Thị Bình trú tổ 5, thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn cho biết, tháng 11/2018, UBND huyện Sóc Sơn có Văn bản số 4021 về việc phê duyệt Dự án trên. Đến tháng 5/2019, UBND huyện Sóc Sơn có Văn bản số 2588 thông báo chủ trương thu hồi đất thực hiện Dự án với diện tích thu hồi khoảng 33.784,8m2; vị trí xã Tiên Dược và thị trấn Sóc Sơn.

Tuy nhiên, theo bà Bình - người dân có đất trong quy hoạch dự án cho rằng, vị trí đất của gia đình bà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lại bị chính quyền địa phương báo cáo với HĐND huyện thành khu vực “không có đất thổ cư”.

Báo cáo sai nguồn gốc đất thực hiện dự án khu đấu giá ở Sóc Sơn? ảnh 1 Vị trí khu đất của gia đình bà Bình đã được cấp sổ đỏ nhưng lại bị chính quyền báo cáo sai sự thật  thành khu vực “không có đất thổ cư” khi thực hiện Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất tại xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn).

“Tôi xây dựng ngôi nhà này từ năm 1990 với diện tích khoảng 10 thước đất. Sau đó, tôi làm nhà và được chính quyền cấp sổ đỏ năm 2003. Khoảng tháng 7/2019, tôi nhận được giấy mời lên UBND thị trấn Sóc Sơn và được thông báo đất của nhà tôi nằm trong quy hoạch dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá và yêu cầu gia đình tôi di chuyển đi và Nhà nước sẽ cấp cho mảnh đất khác. Đất của tôi đã được cấp sổ đỏ, giờ lại thu hồi để cấp đất cho người khác thì không phù hợp”, bà Bình bức xúc.

Bà Bình cho biết thêm: “Tại văn bản số 84 ngày 26/6/2018, của HĐND huyện Sóc Sơn gửi UBND huyện về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án có ghi quy mô đầu tư: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật trên diện tích khu đất khoảng 3,4ha (trong đó toàn bộ là đất nông nghiệp, đất công, đất khác do UBND xã, thị trấn quản lý, không có đất thổ cư)… trong khi đó đất của gia đình tôi đã được cấp giấy sổ đỏ. Vậy tại sao lại khẳng định, một cách sai lệch như vậy về nguồn gốc đất tại khu vực này”, bà Bình thắc mắc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Thành (hàng xóm nhà bà Bình) cũng không đồng tình với các quyết định hành chính của UBND huyện Sóc Sơn. 

Theo ông Thành, gia đình ông có diện tích khoảng 700m2 tại tổ 5, thị trấn Sóc Sơn đã có xác nhận của Văn phòng đăng ký đất đai là đất sử dung ổn định, phù hợp với quy hoạch; không tranh chấp và đang kinh doanh dịch vụ xe máy tại vị trí nêu trên. Kể từ khi xây dựng từ năm 2006 đến nay, chưa có biên bản vi phạm hành chính cũng như quyết định xử lý vi phạm hành chính của cơ quan chức năng nên gia đình ông vẫn làm ăn ổn định tại mảnh đất này.

Nhưng điều đáng nói, đến giữa năm 2019, gia đình ông bị UBND thị trấn Sóc Sơn  lập Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai, và có những quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với mảnh đất mà gia đình ông đã sử dụng ổn định hàng chục năm qua.

“Quyết định số 3309 ngày 25/9/2020 của UBND huyện Sóc Sơn về việc cưỡng chế buộc biện pháp khắc phục hậu quả ban hành không có căn cứ pháp lý, nội dung trong quyết định không có lý do. Đặc biệt, phần xét đề nghị có Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã hết thời hạn thí điểm, không được sử dụng con dấu chức danh? Tôi cho rằng, trong việc này không có cơ sở pháp lý để UBND huyện ban hành quyết định hành chính”, ông Thành bức xúc.

Ông Thành cho biết, gia đình ủng hộ việc làm dự án này và đã làm đơn đề nghị xin lùi thời gian để tìm vị trí, địa điểm mới để tháo dỡ và bàn giao lại mặt bằng đó, tuy nhiên chính quyền địa phương vẫn thực hiện cưỡng chế công trình theo kế hoạch, việc làm này khiến gia đình ông đứng trước nguy cơ “phá sản”.

Người dân không đồng ý thì dự án vẫn thực hiện

Trao đổi với báo chí liên quan đến nguồn gốc đất của hộ gia đình bà Bình và ông Thành, Chủ tịch UBND thị trấn Sóc Sơn Trần Văn Hùng cho biết, đất nhà bà Bình là đất ở đã được cấp đỏ. Còn đất đất nhà ông Thành là đất nông nghiệp chưa chuyển đổi.

“Công trình nhà ông Thành xây dựng từ năm 2008 thì đầu năm 2019 có đơn thư phản ánh là công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, nhưng không bị tháo dỡ. Sau đó, huyện yêu cầu thị trấn phải thiết lập hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng và ra quyết định thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả", ông Hùng nói.

Báo cáo sai nguồn gốc đất thực hiện dự án khu đấu giá ở Sóc Sơn? ảnh 2 Việc báo cáo nguồn gốc đất nằm trong quy hoạch thực hiện dự án không trung thực ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi.
Đề cập đến việc, khu đất nhà ông Thành có đủ điều kiện chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư hay không? Ông Hùng cho rằng: “Theo các quy định thì phù hợp, có thể chuyển đổi thành đất ở. Tuy nhiên, gia đình lại chậm làm, đến khi ông Thành xin chuyển đổi thì đã có thông tin quy hoạch, có dự án rồi thì không được chuyển đổi nữa".

Ông Hùng cho biết, hiện UBND huyện đã thành lập tổ giúp việc Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư rồi, nhưng không gửi đến hộ gia đình mà chỉ gửi đến các thành viên tổ công tác và thị trấn. Đối với nhà bà Bình, thị trấn cũng mời lên làm việc, vận động, tuyên truyền. Việc thực hiện dự án, gia đình không đồng ý thì huyện phải giải quyết chứ thị trấn không có quyền. Thị trấn chỉ đứng ra vận động, tuyên truyền còn quyết định là ở huyện. Nếu như bà Bình không đồng ý thì dự án vẫn thực hiện, nhưng con đường sẽ không mở được.

Đối với những kiến nghị của ông Thành, về các biên bản hành chính của thị trấn và huyện, ông Hùng cho hay:  "Việc đất chưa kiểm đếm, chưa thu hồi nhưng công trình vi phạm trên đất nông nghiệp thì phải tháo dỡ, còn việc thu hồi đất hay không thì chưa. Việc của thị trấn là lập biên bản vi phạm, còn việc ra quyết định xử lý như thế nào là do huyện".

“Tôi rất ủng hộ việc thu hồi đấu giá để xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên việc thực hiện dự án ra sao cũng cần đảm bảo quyền lợi của người dân”, ông Thành nói.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.