> Quán cơm giá rẻ của 7 chàng trai Hà Nội
> Sinh viên thiết kế nhà "sống chung" với thiên tai
Mùa thu năm ngoái, Linh sang Bỉ du học, đến nhà tôi chơi em khoe được học bổng toàn phần, khoảng 24.000 Euro tiền học phí và ăn ở trong một năm do chính phủ Bỉ cấp. Linh học được vài tháng, tôi hỏi thấy sự khác biệt giữa giáo dục châu Âu và Việt Nam chưa, Linh bảo “Hiệu trưởng bên này cũng lên giảng đường, và giảng hay, viết nhiều sách bổ ích.
Ở trường cũ của em có thầy giáo chuyên môn giỏi, nhưng lên làm hiệu trưởng thầy không đứng lớp nữa”. Nói cách khác, một giáo viên giỏi đã bị đổi lấy một hiệu trưởng trung bình.
Hồi học cấp ba trường huyện tôi có thầy giáo trẻ dạy Toán giỏi, nay về chơi biết tin thầy lên chức, tức là từ hiệu phó lên làm phó phòng giáo dục. Mới một năm, ai gặp cũng bảo thầy già xọm đi, nói mà cán bộ cấp dưới không chịu nghe.
Đâu dễ như trị lũ học trò trên lớp. Thầy xin về lại trường nhưng không được, người ta bảo có uy tín như thầy phải được nâng cấp, nâng ngạch. Thầy tôi giờ ở tâm thế một quan chức “nhớ trường”!
Trong chuyến thăm và khảo sát Trung Quốc mới đây, ngài Bộ trưởng Giáo dục vùng Flanders của Bỉ về nước phát biểu rằng “Học phí các trường ĐH ở ta giá tương đối mềm nên họ có ấn tượng trường của chúng ta không thực sự tốt. Đó là lý do các trường ĐH và tôi đang bàn bạc, đồng thuận rằng nên tăng phí học đối với công dân những nước ngoài vùng kinh tế châu Âu!”.
Ối trời ơi, ai bảo cứ nghĩ “của rẻ là của ôi” nên bây giờ người ta muốn tăng phí đấy! Lại chỉ khổ bố mẹ nai lưng cày cuốc cho con du học tự túc, giấc mơ của con lồng bóng hình giấc mơ của cha mẹ!
Leuven, thành phố gần nhà tôi được ví “thủ đô của các trường đại học”, trung bình cứ 2 - 3 trường chung một con phố, du học sinh Việt tại Bỉ tụ về đây cũng đông nhất, đi chợ tươi sáng thứ Sáu thỉnh thoảng nghe í ới “có ốc luộc kìa, mua không”.
Đời sống sinh viên mình ở đây thế nào? Tâm là hàng xóm xa của tôi ở Hà Nội, nhận học bổng thạc sĩ tại Leuven, trải lòng: “Chị nghĩ xem, một người nhận học bổng được đón cả vợ con sang, sống đời đi xe bốn bánh, ở nhà bốn tầng.
Trong nước làm sao được như thế”. Tìm chiếc xe hơi đời cũ giá dưới một ngàn Euro tại châu Âu rất dễ, phòng ở dạng studio phương Tây thiết kế cho sinh viên tiện nghi chẳng kém chung cư Việt Nam: phòng ngủ riêng, bếp mini cạnh phòng khách có sẵn sofa và bàn ghế, rộng từ 20- 50m2, giá từ 200- 500 Euro/tháng. Nếu thuê được studio kiểu này trên tầng 4, chẳng ở nhà bốn tầng là gì!
Tôi có những người bạn học rất giỏi, tuổi đời băm mấy rồi cứ du học mãi, hết thạc sĩ đến tiến sĩ, chán Úc thì chuyển sang Âu, Mỹ. Ấy thế mà tậu được đất và xây nhà ở Việt Nam bằng tiền tiết kiệm từ học bổng du học gửi về. Du học là một nghề.
Hỏi Tâm học xong có về nước không, Tâm lưỡng lự “Trước mắt, xong thạc sĩ em sẽ xin học bổng tiếp lên tiến sĩ. Về nước hai vợ chồng lại hùng hục đi làm, tích cóp cũng chỉ để sau này cho con du học trong khi hai con em đang hưởng thụ nền giáo dục châu Âu rồi! Kế hoạch là vừa học vừa tìm việc để ở đây lâu dài, vì con”.
Tôi có quan điểm rằng, cái mình học được và hình thức đào tạo mình không chỉ là ngôi trường ấy, bạn học ấy, ông thầy ấy, mà còn là mình được/bị hoà mình vào môi trường xã hội ấy. Từ nhà quê lên Hà Nội, có khi tôi học được ở Hà Nội nhiều hơn ở trường.
Vậy nên, nếu cảm thấy say mê ngành mình theo đuổi, và xác định việc học là cho mình, trong hay ngoài nước đều có thể thành công. Phi, du học sinh Việt tại Anh mùa hè tranh thủ qua Bỉ làm thêm tâm sự “Bản chất trường ĐH nước mình và ĐH ở nước ngoài khác nhau. Em luôn tâm niệm, nếu mình không thừa hưởng nền giáo dục trong nước còn nhiều khiếm khuyết nhưng vẫn đủ tầm để được cấp học bổng du học, thì sao giờ này mình có mặt tại châu Âu mà so sánh?!”.
Mùa thu năm nay, Linh chào tôi để về nước, vui vẻ trở lại Hải Phòng trong tâm thế mới “Cũng có chút tiếc nuối nhưng ổn cả. Về có việc làm ngay, được trọng vọng. Thay vì ăn bánh mì sinh viên bên ấy, giờ hằng ngày em ăn bánh mì cay, nhỏ hơn nhưng rất giòn và thơm”.