Lớp học tạm bợ tại trường Nguyễn Bá Ngọc. |
Đi học giữa màn đêm
Ba giờ rưỡi sáng, khi cả nhà còn say giấc, Sùng Thị Xuyến (ở thôn 5 xã Liêng Srol, Đam Rông, Lâm Đồng) uể oải thức dậy. Chui ra khỏi tấm chăn, Xuyến run bắn người bởi gió lạnh cao nguyên. Sau khi làm vệ sinh cá nhân, nhai nuốt vội vàng chén cơm nguội, Xuyến vớ vội cặp sách, cầm đèn pin bước ra ngõ. Đã ba năm nay, Xuyến dậy sớm thoăn thoắt, đến phía đầu làng đang có sáu bạn khác chờ sẵn để cùng đi.
Những chiếc đèn pin trong tay cả nhóm loang loáng dò đường trong sương sớm. Sau một tiếng đồng hồ vã mồ hôi vượt dốc, các em bắt đầu phải vượt qua “cửa ải” khó khăn nhất trên đường đến lớp: cưỡi bè tạm vượt dòng sông Đăk Ting.
Sông Đăk Ting đầu mùa khô nước vẫn cuồn cuộn chảy, đôi bờ rộng khoảng 30m. Sùng Seo Pao người con trai lớn nhất trong đám đang theo học lớp 5 vội xắn quần lội xuống mép sông, bàn tay bé nhỏ nắm lấy sợi dây giữ bè cho các bạn khác leo lên.
“Em đã cầm lái chiếc bè này từ hồi học lớp ba đến nay. Cũng chẳng có gì khó, chỉ cần kéo dây là nó chạy theo ý mình mà”- Pao nói.
Khi các bạn đã yên vị trên bè, Pao khom người, dùng hết sức đẩy chiếc bè lúc lắc trôi. Nước bắt đầu lan lấp xấp trên mặt bè, tràn lên những đôi chân bé nhỏ tím tái vì giá lạnh. Pao nhảy lên, tay nắm lấy sợi giây giật qua giật lại rất thiện nghệ, cứ thế chiếc bè ngoan ngoãn đi theo sự điều khiển thoáng chốc đã qua bờ bên kia. Chiếc bè được làm bằng 16 cây lồ ô và hai thanh gỗ được cố định với nhau bằng dây thép rộng chừng 2m dài 8m được dân làng cùng nhau làm nên để đi lại.
Những bước chân lại tiếp tục cuộc hành trình, làm sao để trước bảy giờ phải có mặt tại trường để vào học. Buổi trưa khi tan lớp, đám trẻ lại quay về nhà, trở lại còn cơ cực hơn nhiều bởi những chén cơm nguội buổi sáng trong bụng đã hết veo từ lúc nào. Còn các bạn nhỏ học ca chiều cũng chẳng khá hơn, 10 giờ sáng xuất phát, đến 18 giờ mới về được tới nhà.
Khát khao học chữ
Thương con nhưng những gia đình ở đây còn phải lo lên rẫy để kiếm hạt lúa, hạt bắp nuôi gia đình, dù biết để các cháu tự đến lớp vất vả, nguy hiểm.
“Thường khoảng 12 giờ trưa là các cháu về đến nhà, nhưng có hôm 13 giờ mới về, các cháu đói quá vừa đi vừa phải nghỉ nên về muộn”, ông Sùng Minh Trường phụ huynh của em Xuyến kể.
Theo ông Trường, sang trường Nguyễn Bá Ngọc phải đi bè nguy hiểm nhưng để ra trường tiểu học Đạ Rsal (xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông, Lâm Đồng) thì phải mất 8km đường rừng, còn xa hơn nữa, các cháu đi không nổi.
Chèo bè đến lớp. |
Dẫn chúng tôi đi, thầy Nguyễn Quang Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Nguyễn Bá Ngọc không giấu được lo lắng đối với số học sinh đang phải băng rừng, vượt sông sang chỗ mình học- “Các em đều khát khao được học cái chữ, nhưng nhìn những học trò thất thểu đến trường mà thương, mà lo. Vào hồi tháng 9 năm nay, một số học sinh khi đang cưỡi bè lên lớp bè bị nghiêng, rất may các em biết bơi và thoát chết, khi đến lớp thì sách vở và quần áo đều ướt nhẹp”.
Hiện nay, tại thôn 5, điểm trường Đạ Mpô thuộc Trường Tiểu học Đạ Rsal đã được mở 3 phòng học tạm với 1 lớp mẫu giáo và hai lớp một. Tuy nhiên, chỉ là những lớp học tạm bợ được dựng lên bằng ván.
Ông Trần Phú Vinh, Trưởng phòng giáo dục huyện Đam Rông cho biết, huyện cho kinh phí 600 triệu đồng để đầu tư xây dựng hai phòng học kiên cố tại đây. Dự kiến, năm học sau sẽ được đưa vào hoạt động, khi đó số học sinh từ lớp 3-4 hiện đang học bên trường Nguyễn Bá Ngọc sẽ được chuyển về đây để học. Còn học sinh lớp năm do số lượng không đủ để mở lớp nên vẫn phải để lại học ké… bên đó, tức bên tỉnh Đắk Nông.