Bối cảnh không có gì hoành tráng. Phim có nhân vật Trang Nhi là ca sĩ ngôi sao nhưng quay MV thường ở bên đường hoặc gầm cầu. Tất nhiên không có cảnh cô trình diễn trực tiếp. Căn hộ chung cư của cô nội thất giản dị một cách đáng ngạc nhiên so với đẳng cấp chủ nhân.
Nhân vật chính và đồng sự thường xuyên sống trong cảnh màn trời chiếu đất, bùn lầy nước đọng. Vài cảnh đẹp nhất của phim quay ở đây. Choáng lộn nhất là sào huyệt của xã hội đen quanh quẩn trong một bối cảnh trống trải, nơi trùm xã hội đen thường xuyên bán nude nằm sấp để đàn em xoa bóp.
Phim lạm dụng các nhân vật “bóng” vô duyên để tăng tiếng cười. Của đáng tội khả năng gây cười của Sơn đẹp trai cũng khá hạn chế. Khán giả có thể bật cười nhưng cười xong chả biết mình cười vì cái gì. Có những cảnh không biết cười hay mếu như khi xã hội đen bị nhóc bụi đời bỏ kiến vào quần, rồi hai anh ra sức đập, móc kiến cho nhau... Bộ phim có yếu tố học tập truyền thống- áp dụng motif của vở Nghêu Sò Ốc Hến. Bằng Kiều xứng đáng là Văn Hến khi cùng lúc có vài “hot-girl” tìm đến.
Nhân vật của Bằng Kiều không khoe giọng hát. Tưởng như anh phải đủ năng lực diễn xuất để đảm đương vai chính trong một phim hài, nhưng có vẻ phim không như là mơ. Anh có gương mặt khá điện ảnh, hợp với phim hài nhưng nét biểu cảm lại bị cứng kèm theo phát âm chậm, có khi còn bị vấp (cảnh trong căn hộ của Trang Nhi). Giống như anh vừa diễn vừa còn phải nghĩ xem mình nên nói/làm gì. Đã thế nhân vật Sơn thường phải xuất hiện cùng ba đàn em tung hứng dí dỏm qua diễn xuất sống động của diễn viên hài Trường Giang cùng hai diễn viên nhỏ tuổi. Ngoài ra, các nhân vật khác được xây dựng theo kiểu mạnh ai nấy diễn, chả ăn nhập gì với nhau, miễn gây ra sự phi lý để người xem cười xòa một cái. Băng đảng xã hội đen chẳng khác gì phường tuồng với phục sức kiểu cosplay, đánh chửi nhau chí chóe.
Trang Nhi của người mẫu Lan Khuê là nhân vật cần khoe giọng nhưng may mà cô chỉ cất tiếng đúng một lần, còn đâu là hát nhép. Lan Khuê diễn khá ổn, chỉ có điều không hợp vai. Nét mặt và cả nét diễn của cô hơi bị lạnh/ngầu quá mức cần thiết. Rõ ràng cô sinh ra để diễn thời trang và cũng có thể đóng phim, nếu đó là phim xã hội đen hoặc kinh dị.
Kịch bản phim vì mải xoay quanh nhân vật trung tâm, trở thành những phân đoạn khá rời rạc. Đoạn đầu giống như các tiểu phẩm ghép vào nhau với các nhân vật một đi không trở lại. Cốt truyện chính có vẻ cũng được xây dựng một cách vội vã và hời hợt. Khán giả dễ hụt hẫng khi phim đã kết mà vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Đại khái là dàn xã hội đen đuổi theo Trang Nhi vì một đôi giày mà trong đó giấu cái gì không rõ. Đùng một cái chú công an xuất hiện và phim thế là xong.
Tóm lại Sơn đẹp trai phù hợp với những người hâm mộ Bằng Kiều- đối tượng chỉ cần thấy mặt thần tượng đã đủ vui rồi. Trên mạng, có người phê bình phim gọi Sơn đẹp trai là dạng phim “ảo tưởng sức mạnh”. Nhưng biết đâu Bằng Kiều “mạnh” thật khi chỉ tên anh đã đủ để mang lãi về cho đoàn làm phim?!