Bắn rơi máy bay dân sự Ukraine: Iran chịu sức ép tứ bề

Một phụ nữ Iran có mặt trong cuộc biểu tình trước ĐH Amirkabir ở Tehran hôm 12/1 bày tỏ thái độ giận dữ với cảnh sát ảnh: CNN
Một phụ nữ Iran có mặt trong cuộc biểu tình trước ĐH Amirkabir ở Tehran hôm 12/1 bày tỏ thái độ giận dữ với cảnh sát ảnh: CNN
TP - Iran đang chịu sức ép cả từ dư luận trong nước lẫn quốc tế sau vụ thừa nhận bắn rơi chiếc máy bay dân sự Ukraine chở 176 người.

Hôm qua xuất hiện nhiều video ghi lại cảnh được cho là cảnh sát ném lựu đạn hơi cay vào người biểu tình và bắn đạn thật vào chân một phụ nữ. Hãng tin AP nói rằng họ đã kiểm chứng những video này, nhưng Tehran bác bỏ cáo buộc.

Đợt biểu tình, bắt đầu từ lòng căm phẫn và tiếc thương cái chết của tướng Qassem Soleimani, người thiệt mạng vì cuộc không kích của Mỹ, nhanh chóng biến thành phong trào phản đối chính phủ và kêu gọi lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei từ chức và truy tố những người chịu trách nhiệm vụ bắn rơi máy bay. Ông Khamenei đã lãnh đạo trong 3 thập kỷ và không chịu giới hạn nào về nhiệm kỳ.

Chiếc máy bay bị bắn rơi của hãng hàng không quốc tế Ukraine chở hành khách từ khắp thế giới, nhưng ở Iran, nhiều người coi đây là một thảm họa của nước họ. Nhiều người nổi giận vì chính phủ giết chính người dân của mình vì hầu hết nạn nhân trên chuyến bay đó là người Iran hoặc gốc Iran.

Biểu tình đã lan từ thủ đô Tehran ra nhiều thành phố khác, gồm Shiraz, Esfahan, Hamedan và Orumiyeh, phơi bày sự bất mãn rộng khắp của người dân đối với chính quyền, Reuters đưa tin.

Hình ảnh những đám đông giận dữ lần này khác hẳn hình ảnh một đất nước đoàn kết trong đám tang của tướng Soleimani. Sau vụ không kích của Mỹ, hàng chục ngàn người Iran đổ ra đường để hô khẩu hiệu chống Washington. Sự tôn kính mà nhiều người Iran dành cho ông Soleimani đã tập hợp những người Iran thuộc nhiều thành phần và hệ tư tưởng lại để chia sẻ nỗi giận dữ đối với người Mỹ.

Nhiều người Iran phẫn nộ trước thông tin chính quyền ban đầu nói dối máy bay rơi hôm 8/1 là do lỗi kỹ thuật. Họ cũng tiếc thương cho số phận những nạn nhân vô tội, trong đó có nhiều người trẻ đang du học ở nước ngoài và những nghệ sĩ tài năng. Trong cuộc biểu tình sáng 11/1, các sinh viên ở Tehran hô to: “Họ đang nói dối kẻ thù của chúng ta là người Mỹ! Kẻ thù của chúng ta ở ngay đây!”.

Lời xin lỗi muộn

Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng lên Twitter các thông điệp ủng hộ người biểu tình và cảnh báo chính quyền Iran chớ giết họ.

Trong phiên thảo luận tại quốc hội Iran hôm 12/1, tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran, tướng Hossein Salami, xin lỗi vì bắn rơi chiếc máy bay Ukraine một cách không cố ý và cầu xin tha thứ. “Trong đời mình, tôi chưa từng xin lỗi nhiều như lần này. Chưa bao giờ. Tôi ước mình cũng ở trên chuyến bay đó và bị cháy cùng họ”, ông nói. Tổng thống Hassan Rouhani nói quốc gia này “vô cùng hối tiếc vì sai lầm tai hại” và “gửi lời chia buồn đến tất cả các gia đình đang đau đớn”. Nhưng những lời nói đó không làm dịu được cơn thịnh nộ của người biểu tình.

Không chỉ đối diện với sức ép từ dư luận trong nước, các lãnh đạo Iran còn đang vấp phải sức ép quốc tế phải điều tra vụ máy bay rơi và buộc những người gây sai lầm phải chịu trách nhiệm.

Nhà lãnh đạo Khamenei hôm 12/1 cáo buộc “sự hiện diện xấu xa của Mỹ và thân tín của họ” gây ra “tình hình hỗn loạn hiện nay” và kêu gọi các nước trong khu vực thắt chặt quan hệ. “Tình hình khu vực hiện nay đòi hỏi - hơn bao giờ hết - phải tăng cường quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực cũng như tránh ảnh hưởng từ nước ngoài”, ông Khamenei nói sau cuộc gặp lãnh đạo Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani.

Trong khi đó, Pháp và Nga tiếp tục chia sẻ mong muốn bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết. Trong một thông báo đưa ra hôm qua, ông Macron nói rằng ông đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhất trí quan điểm này. Hôm 12/1, lãnh đạo các nước Anh, Pháp và Đức kêu gọi Iran quay lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 đã đạt được với các cường quốc và kìm chế có thêm hành động bạo lực.

MỚI - NÓNG