Bản quyền truyền hình V-League sẽ tăng sốc?

0:00 / 0:00
0:00
Giá trị bản quyền truyền hình V-League chưa tương xứng với tiềm năng?. Ảnh: Anh Tú
Giá trị bản quyền truyền hình V-League chưa tương xứng với tiềm năng?. Ảnh: Anh Tú
TP - Giá trị bản quyền truyền hình giải bóng đá VĐQG (V-League) từ năm 2023 có thể tăng lên khoảng 20 lần, theo thông tin từ Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).

Thông tin trên được Chủ tịch VPF Trần Anh Tú nêu ra tại đại hội cổ đông thường niên VPF sáng 28/11. Trước đó, nhiều cổ đông VPF đã đặt vấn đề bản quyền truyền hình V-League hiện nay còn khiêm tốn, không tương xứng với kỳ vọng. Trả lời ý kiến của cổ đông, ông Tú cho biết đã có đơn vị đề nghị mua bản quyền truyền hình V-League với giá trị gấp 20 lần hiện nay.

“Đối tác đặt vấn đề rất nghiêm túc, giá trị hợp đồng mới có thể hơn nhiều lần hiện tại. Mặc dù vậy, hiện tại VPF vẫn đang trong thời gian thực hiện hợp đồng với đơn vị cũ nên chúng tôi chưa đưa ra quyết định nào. Cá nhân tôi cho rằng nếu giá trị bản quyền truyền hình được tăng cao, đây là sẽ bước phát triển mới cho V-League”, ông Tú nói.

Theo nguồn tin riêng của phóng viên Tiền Phong, đối tác đặt vấn đề với VPF có tiềm lực khá mạnh trong lĩnh vực truyền hình. So với hợp đồng hiện nay, VPF sẽ nhận lại nhiều quyền lợi hơn, phần chia lại cho các CLB vì vậy cũng có thể được tăng cao. Thời gian qua, VPF và Next Media, đơn vị đang sở hữu bản quyền truyền hình V-League, đã có các cuộc tương tác với nhau nhưng vấn đề gia hạn hợp đồng hay không chưa được xem xét.

Trao đổi thêm với phóng viên Tiền Phong, Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Văn Thành hôm qua đánh giá, VPF đang có bước đi đúng hướng trong quá trình phát triển V-League. Theo ông Thành, bản quyền truyền hình và tiền vé là 2 nguồn thu chủ yếu cho các CLB trên thế giới, sau đó mới tới tiền tài trợ.

“Tôi cho rằng đây là bước đi đúng của VPF vì lâu nay với các CLB bóng đá Việt Nam, tài trợ là nguồn chính. Trong khi đó, với thế giới, 2 nguồn lớn là bản quyền truyền hình rồi tiền vé. Tuy nhiên hiện nay VPF vẫn còn hợp đồng với đối tác cũ. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là việc gì có lợi cho bóng đá Việt Nam thì chúng ta làm. Chúng tôi rất chào đón các đối tác đóng góp cho bóng đá Việt Nam, miễn giá trị thu lại cao hơn”, ông Thành nói. Nâng giá trị bản quyền truyền hình cũng là một trong những nội dung được ông Thành đề cập tới khi trúng cử ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính-tài trợ VFF.

Khi khởi xướng thành lập VPF, một trong những mục tiêu lớn bầu Kiên hướng tới là nâng cao giá trị bản quyền truyền hình V-League. Dù vậy sau 10 năm VPF được thành lập, giá trị bản quyền truyền hình V-League vẫn rất thấp. Sau khi bầu Kiên vướng vòng lao lý, câu chuyện bản quyền truyền hình V-League cũng nguội đi.

So với giải bóng đá VĐQG Thái Lan (Thai-League) vốn có giá trị bản quyền truyền hình hàng trăm tỉ đồng, giá trị bản quyền truyền hình V-League rất nhỏ bé. So với Thai-League, giá trị bản quyền truyền hình V-League chỉ bằng khoảng 1%. Đây là mức chênh lệch rất lớn nếu so sánh chất lượng 2 giải đấu. Thậm chí, đã có những ý kiến đánh giá VPF “ngồi trên mỏ vàng” nhưng chưa biết khai thác.

Năm 2018, VPF từng lên kế hoạch huỷ hợp đồng với Next Media nhưng không thành công. Đôi bên sau đó chỉ ngồi lại để điều chỉnh hợp đồng cũ. Gần nhất, một cổ đông của VPF là CLB Bóng đá Becamex Bình Dương nêu ý kiến yêu cầu công ty xem xét lại vấn đề bản quyền truyền hình V-League.

Một đại diện Next Media hôm qua cho biết, đơn vị này vẫn đang trong thời gian hợp đồng với VPF và không đưa ra bình luận thêm.

MỚI - NÓNG