Tiền Phong ngày 20/7 có bài “Cảng chồng cảng, uy hiếp an toàn đường sông” phản ánh việc UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận một dự án cảng sông không nằm trong quy hoạch, có nguy cơ phá vỡ tiêu chí kỹ thuật của cảng đang tồn tại, uy hiếp an toàn đường sông.
Xung quanh vấn đề này, ông Vũ Trung Kiên, Trưởng phòng Kỹ thuật - Tư vấn (Cty Quản lý Bảo trì Đường thủy nội địa số 7) - đơn vị quản lý đoạn sông Kinh Môn qua địa bàn này cho biết: Kinh Môn là tuyến sông cấp 3, bị ảnh hưởng rất lớn của thủy triều, dòng chảy siết và có nhiều đoạn quanh cua gấp khúc, “như ruột lợn”.
Đặc biệt, sông có nhiều tàu trọng tải lớn và các đoàn tàu lai dắt (trọng tải thấp nhất là 2.400 tấn) qua lại. Chính vì thế, các điểm cua cong trên tuyến rất nguy hiểm, đặc biệt là đoạn cong qua địa bàn xã Kim Lương.
“Trước đến nay, không ai xây dựng cảng tại vị trí cua cong, đặc biệt là khu vực có bán kính chạy tàu rất hẹp. Khi xây dựng cảng phải có các cầu cảng dẫn ra ngoài sông dẫn đến luồng vận tải qua đây không còn” – ông Kiên phân tích.
Thuyền trưởng tàu hàng HP: 2686 Đỗ Văn Hồng có hơn 20 năm kinh nghiệm chạy tàu thủy nội địa, 10 năm gắn bó tuyến Hạ Long – Hải Phòng - Hải Dương, thuộc lòng từng luồng chảy, khúc cua của sông Kinh Môn khẳng định: Đoạn cua sau Cảng Phú Thái hẹp và nguy hiểm nhất trên tuyến sông này. Cá nhân ông từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn tại đây. “Nếu tàu đến khúc cua mà không mở lái, cua rộng qua mom thì sẽ bị lật tàu” – Thuyền trưởng Hồng khẳng định.
Đại diện Cảng Vụ Đường thủy nội địa Khu vực II – Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng cho biết: Khi tàu đến khúc cua này gặp tàu ngược chiều từ cầu An Thái lao xuống, đoạn cong này là nơi hai tàu tránh nhau. “Nếu xây dựng cảng tại khúc cua này thì luồng vận tải sẽ hẹp, đoạn tránh sẽ mất và trở thành điểm đen giao thông” – ông này nói.
Trên đoạn sông Kinh Môn qua địa bạn huyện Kim Thành xảy ra nhiều vụ tai nạn đường thủy. Tai nạn lớn nhất xảy ra ngày 6/3/2016 khi tàu Thành Luân số hiệu HP 3016 tải trọng 3.000 tấn lưu thông từ Hải Dương về Hải Phòng đâm vào cầu An Thái khiến tàu kẹt cứng, dầm cầu hỏng nặng. Nguyên nhân được xác định là tàu quá khổ và do thủy triều trên sông Kinh Môn dâng cao.