Theo Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, tại các điều 76, 77 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 đã bãi bỏ tất cả những quy định liên quan trình độ CĐ thuộc bậc ĐH ở các luật trước đó; chính điều này mang lại nhiều hệ lụy. Trong đó tạo ra điểm nghẽn trong liên thông trình độ CĐ và ĐH. Theo Luật Giáo dục 2019, các trường có thể liên thông theo chiều dọc (học tiếp trình độ khác cùng ngành nghề) hoặc liên thông theo chiều ngang (chuyển sang ngành, nghề đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác).
Luật còn quy định chương trình giáo dục được thiết kế theo hướng tích hợp, kế thừa kiến thức, kỹ năng dựa trên chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, chương trình CĐ theo Luật Giáo dục Nghề nghiệp 2014 cho dù đã hoàn thành cấp độ nhưng thuộc diện “không được tiếp cận trực tiếp với giáo dục ĐH”, trong khi đó, chương trình ĐH không thiết kế theo hướng kế thừa chương trình giáo dục nghề nghiệp, chuẩn đầu ra vẫn chưa biết bao giờ xây dựng xong.
“Phía sau vấn đề này có lý do là không đặt trình độ CĐ đúng chỗ”, văn bản gửi Thủ tướng của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhấn mạnh. Hiệp hội cũng nêu ra những hệ lụy như triệt tiêu thế mạnh của các cơ sở giáo dục ĐH định hướng ứng dụng, đặc biệt là các trường ĐH địa phương; hạ chuẩn các trình độ CĐ chuyên nghiệp, làm khuyết trình độ đào tạo thuộc bậc ĐH.
Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần ổn định để phát triển |
Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo xây dựng dự án sửa đổi Luật Giáo dục ĐH trình Quốc hội đưa vào chương trình sửa luật sớm nhất có thể. Trong khi chờ sửa đổi Luật Giáo dục ĐH, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép khôi phục nhiệm vụ đào tạo trình độ CĐ chuyên nghiệp ở các cơ sở giáo dục ĐH; xem xét, cho phép các cơ sở CĐ chuyên nghiệp (những đơn vị trước đây vận hành theo chỉ đạo, quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT) được tự đăng ký, lựa chọn hướng đi tiếp hoặc là theo mô hình dạy nghề, hoặc là trở lại mô hình CĐ chuyên nghiệp.
Một số trường như CĐ Cao Thắng, CĐ Kinh tế TPHCM, CĐ Công Thương TPHCM, CĐ Lý Tự Trọng có điểm trúng tuyển hằng năm còn cao hơn nhiều trường ĐH.
Nên giữ ổn định hệ thống
Trao đổi với báo chí, TS Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, cho biết mong muốn của Hiệp hội là thống nhất một Bộ quản lý nhà nước về giáo dục, từ mầm non, tiểu học, trung học, dạy nghề tới ĐH và sau ĐH. Do đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cho các trường ĐH được đào tạo CĐ và cho các trường CĐ được lựa chọn mô hình đào tạo chuyên nghiệp hoặc nghề, nhưng đều thuộc Bộ GD&ĐT quản lý, để không bị “mất tính hệ thống và có những điểm nghẽn trong liên thông”.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho rằng nên để ổn định như hiện tại, không nên khôi phục nhiệm vụ đào tạo CĐ cho ĐH. Trường CĐ nào không tuyển sinh được hoặc đào tạo kém chất lượng thì nên giải thể, chỉ giữ lại các trường tuyển sinh và đào tạo đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Việc cho các trường CĐ lựa chọn mô hình CĐ nghề hay chuyên nghiệp chính là quay lại sự bất cập cũ và lại càng rối cho người học.Tuy nhiên, ông Sơn cũng khẳng định có những khó khăn không nhỏ khi đào tạo liên thông. Điểm khó khăn nhất là chương trình đào tạo của các trường CĐ khác nhau và khác biệt với trường ĐH.
“Vì vậy, trường ĐH phải thiết kế chương trình đào tạo riêng cho từng thí sinh, nhiều khi trong lớp liên thông có 30 sinh viên, nhưng có đến 10 chương trình đào tạo khác nhau”, ông Sơn nói. GS. TS Trần Văn Chứ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, nói rằng khó khăn khi liên thông là với những học viên học tốt nghiệp THCS, phân luồng đi học nghề, chưa có bằng tốt nghiệp THPT sẽ không thể học tiếp lên ĐH vì quy định của ĐH là thí sinh phải tốt nghiệp THPT.