Bán kết U19 Đông Nam Á, Việt Nam 0-3 Malaysia: Một bài học cho tương lai

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bất cứ kết quả nào không phải chiến thắng dành cho U19 Việt Nam đều là cú sốc. Thật không may, nó đã xảy ra. Trong buổi chiều thứ Tư, đội quân áo đỏ nhận liền 3 bàn thua trước Malaysia và trở lại Patriot Chandrabhaga vào ngày 15/7 chỉ để chơi trận tranh giải ba.

Malaysia không khiến ai phải ngạc nhiên, bởi tất cả đều biết họ pressing rất rát và chơi phòng ngự phản công. Điều khiến tất cả bất ngờ là U19 Việt Nam không có kế hoạch đủ tốt để đối phó. Họ rất lúng túng để kiểm soát tình hình. Và khi nghĩ rằng đã làm được điều đó, bi kịch lại xảy ra.

Rất khó hiểu khi xuất hiện khoảng trống rất lớn giữa hàng hậu vệ và tiền vệ U19 Việt Nam, cho phép Mumhamad Haiqal bên phía Malaysia có thể nhận bóng thoải mái, sau đó dẫn bóng áp sát khu cấm địa. Để mọi chuyện tồi tệ hơn, Hà Châu Phi và Trịnh Hoàng Cảnh đã xử lý thiếu quyết liệt để bóng tới chân Mohd Faizal, người đã bị hàng thủ Việt Nam bỏ quên, tự do tung ra cú cứa lòng đẳng cấp tung lưới thủ môn Cao Văn Bình phút 26.

Chúng ta đã nói về điểm yếu tâm lý, lỗ hổng ở hàng thủ cũng như thể lực có vấn đề của U19 Việt Nam. Trước Malaysia, tất cả đã bị phơi bày. Bất chấp việc các cầu thủ tự động viên nhau, rằng “thoải mái lên anh em ơi, thoải mái lên”, họ vẫn chơi với áp lực đè nặng. Việc bị dẫn trước và Malaysia lui về triển khai thế trận phòng ngự phản công yêu thích càng khiến mọi thứ xấu đi. Không ít lần Khuất Văn Khang cùng đồng đội làm rất tốt trong việc thâm nhập khu cấm địa, nhưng ở khâu xử lý cuối cùng, họ luôn thiếu sự điềm tĩnh cần thiết.

Như phút 55, liên tiếp 4 cú dứt điểm được thực hiện nhưng bóng vẫn không vào lưới. Cũng cần nói thêm, U19 Việt Nam đã thiếu may mắn khi pha đánh đầu của Quốc Việt đưa bóng đi trúng cột dọc. Tuy nhiên đây không phải cái cớ để biện minh cho thất bại trước Malaysia, khi chúng ta không đủ tốt để có được bàn thắng từ vô số cơ hội có được trong nửa đầu hiệp hai. Khi nền tảng thể lực sa sút, đội quân của HLV Đinh Thế Nam vừa không thể duy trì áp lực lên phần sân Malaysia, vừa không theo kịp mỗi khi đối phương tăng tốc.

Bán kết U19 Đông Nam Á, Việt Nam 0-3 Malaysia: Một bài học cho tương lai ảnh 1

Các cầu thủ U19 Việt Nam không thể vượt qua Malaysia trong trận đấu chiều thứ Tư

Ảnh: Anh Đoàn

Hai bàn thua tiếp theo đến như một lẽ tất nhiên. Việc Haqumi Azim vượt qua Văn Sơn rồi căng ngang cho Haiqal Haqeemi dứt điểm cận thành phút 70, hay Hoàng Cảnh trượt chân trong tình huống Haykal nâng tỷ số lên 3-0 phút 86 là minh chứng cho sự xuống sức bên phía U19 Việt Nam.

Cách đây 6 năm, U19 Việt Nam cũng dừng bước ở bán kết nhưng nhiều cầu thủ như Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tiến Linh, Hồ Tấn Tài… đã trưởng thành từ giải đấu đó. Chúng ta cũng có thể hy vọng thế hệ này sẽ sớm nối tiếp đàn anh và làm rạng danh bóng đá Việt Nam.

Không thể tiến vào chung kết lần đầu tiên kể từ sau năm 2015, đội quân của HLV Đinh Thế Nam chỉ có thể tự trách mình. Họ đã cho thấy sự khát khao cũng như thể hiện được năng lực bản thân. Trong cả hành trình U19 Đông Nam Á, rất nhiều khoảnh khắc tuyệt vời đã được tạo ra bởi tài năng cũng như sự thông minh trong tư duy. Văn Khang, Văn Trường, Quốc Việt, Bảo Long hay Đình Bắc hứa hẹn là những ngôi sao vào một ngày không xa. Nhưng họ cần cải thiện nhiều điều và thất bại trước Malaysia chính là một lời nhắc nhở.

Các cầu thủ đã rất thất vọng ở Patriot Chandrabhaga, song đây không phải là sự kết thúc. Ít nhất họ vẫn còn trận tranh giải ba vào ngày 15/07 để cố gắng. Và khi trở về, những chàng trai của chúng ta sẽ có thêm những bài học kinh nghiệm quý giá cho tương lai dài phía trước.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.