Bàn giấy không phải chỗ chơi của trẻ

Bàn làm việc của người lớn không phải là nơi thích hợp để trẻ nhỏ chơi đùa Ảnh: TẤN THẠNH
Bàn làm việc của người lớn không phải là nơi thích hợp để trẻ nhỏ chơi đùa Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra khi trẻ con lấy những vật dụng ở bàn làm việc của người lớn để chơi.

Chị Ng.T.A.N (29 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận Tân Bình, TP HCM) bị một phen hú hồn khi đưa con gái 2 tuổi đến cơ quan vào dịp cuối tuần để tìm tài liệu. Chị để bé ngồi ở bàn làm việc của mình trong khi lục tìm hồ sơ ở kệ sát bên. Được một lúc, cháu bé khóc thét, liên tục kêu “con đau, khó thở”. Một đồng nghiệp nam giúp kiểm tra và phát hiện có một vật trong lỗ mũi phải của bé. Bé được đưa đến bệnh viện (BV) và các bác sĩ đã lấy ra cục tẩy thường được gắn ở phần đuôi bút chì. Có lẽ trong lúc chơi đùa, bé đã đưa bút chì vào mũi và cục tẩy bị rơi ra rồi mắc lại ở đó.

Nhiều mối nguy

“Tôi cũng đã một phen hú hồn vì cứ nghĩ bàn làm việc thôi mà, toàn đồ vật “hiền lành”. Hôm ấy, nhóc tì lấy cái gì đó đập bể một phần đồ chặn giấy có hình chim cánh cụt và tuyết bên trong mà cháu rất thích chơi, rồi... nếm thử một ít dung dịch bên trong. Vợ chồng tôi tá hỏa ôm con đi cấp cứu vì cũng không biết thứ chất lỏng đó là gì, may mà cháu không sao…” - một bà mẹ khác chia sẻ trên Facebook.

Đầu tháng 1 vừa qua, BV Nhi Đồng 1 cũng phẫu thuật nội soi cho một trường hợp khá hy hữu: một mảnh đuôi của chiếc bút bi mắc kẹt trong phổi của bé trai L.T.T, 6 tuổi, suốt 3 tháng trời chỉ vì bé đang ngậm bút thì bị ho nên phần đầu bút rời ra, rơi vào đường thở mà không hay. Bé được điều trị tại bệnh viện địa phương một thời gian vì đau ngực, ăn uống kém nhưng vẫn không được phát hiện đúng nguyên nhân nên bác sĩ cho xuất viện. Gia đình đưa bé đến BV Nhi Đồng 1, kết quả siêu âm cho thấy ở vùng phế quản thùy dưới bên phải của bệnh nhi có vật cản quang.

Tại nhiều BV, khoa nhi, đơn vị cấp cứu, tai nạn mà trẻ mắc phải có liên quan đến bàn làm việc của cha mẹ hay bàn học của trẻ lớn khá nhiều, như nuốt hoặc nhét vào tai, vào mũi các vật nhỏ tháo ra từ bút, kẹp giấy, các mảnh của đồ trang trí, các mẩu giấy vo viên; bị thương do dao rọc giấy, kéo hay làm rơi vỡ các quả cầu thủy tinh chặn giấy; bị điện giật do “táy máy” máy vi tính; té ngã do leo trèo lên bàn...

Tại BV Nhi Đồng 2, BS Trần Đắc Nguyên Anh, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, cho biết ông cũng gặp khá nhiều em bé gặp rắc rối với cây bút, chủ yếu là nhóm trẻ nhỏ, hay có thói quen ngậm đồ, khiến đầu bút, đuôi bút... rơi ra và đi vào khí quản hay thực quản. Trẻ khác thì lại nhét mẩu bút chì sáp, mẩu gôm vào mũi, tai... và mắc kẹt trong đó.

“Rõ ràng bàn làm việc của người lớn hay bàn học của trẻ lớn không phải là chỗ chơi của trẻ nhỏ, nhất là những trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ cần được chơi đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, bao gồm các tiêu chí về chất liệu, kích cỡ đồ chơi. Sẽ rất nguy hiểm nếu cho trẻ nhỏ chơi với đồ đạc của người lớn có kích thước không phù hợp hoặc dễ tháo rời thành từng mảnh nhỏ” - BS Nguyên Anh khuyến cáo.

Sơ cứu đúng cho trẻ

Theo ThS-BS Võ Quang Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, phụ huynh cần hết sức bình tĩnh khi con gặp rắc rối từ bàn làm việc của mình, nhất là các trường hợp uống nhầm hóa chất (keo, dung dịch trong đồ chặn giấy...), mắc dị vật đường thở hay điện giật.

Nếu trẻ uống nhầm hóa chất, tốt nhất nên cho bé uống nhiều nước và đưa đến BV kiểm tra. Phương pháp cố gây nôn không được khuyên thực hiện bởi nhiều trường hợp có thể dẫn đến viêm phổi, làm tình hình nặng thêm.

Nếu trẻ nhét dị vật vào mũi, tai, cũng không nên cố gắng tự lấy ra vì thường chỉ làm dị vật mắc sâu hơn. Trường hợp trẻ nuốt dị vật thì tùy tình huống mà xử lý. Nguy cấp nhất là dị vật đường thở gây ngạt, gặp trường hợp này, cần vỗ lưng giúp trẻ tống dị vật ra.

Nếu trẻ có dấu hiệu sốc, ngưng tim, ngưng thở (do uống nhầm hóa chất, ngạt hay điện giật), cần thực hiện các thao tác ép tim, thổi ngạt để hồi sinh tim phổi.

Theo Theo Người lao động
MỚI - NÓNG