Bán giá cao 'ngất ngưởng', doanh nghiệp phân bón thu lợi chưa từng có

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giá phân bón liên tục tăng cao đã giúp các doanh nghiệp phân bón thu được lợi nhuận chưa từng có. Chỉ trong một quý, không ít doanh nghiệp lãi gấp cả chục lần so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí vượt mục tiêu lợi nhuận của cả năm. 

Đối nghịch với hoàn cảnh của người dân tham gia hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp phân bón lại có bức tranh kinh doanh rất tươi sáng.

Trong quý 1 đầu năm, sản lượng Urê và gốc Urê tiêu thụ của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Càu Mau) đạt 257,2 nghìn tấn (cộng với tồn kho) giúp doanh thu bán Urê của doanh nghiệp này đạt 3.700 tỷ đồng. Doanh thu Urê bán ở trong nước đạt 1.574 tỷ đồng, còn giá trị xuất khẩu đạt tới 2.100 tỷ đồng.

Ngoài ra, Đạm Cà Mau tiêu thụ gần 11,5 nghìn tấn phân NPK, giúp doanh thu thuần công ty đạt khoảng 4.075 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Đạm Cà Mau đạt 1.518 tỷ đồng (gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái), mức cao nhất trong một quý từ trước đến nay của công ty.

Về giá bán, đại diện Đạm Cà Mau cho biết, giá Urê bình quân trong quý 1 đạt 15.208 đồng/kg (gấp 2,15 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Công ty này cũng đánh giá từ qúy 4/2021 đến quý 1 năm nay, giá phân bón duy trì ở mức cao nên diện tích canh tác vụ Đông Xuân của người dân giảm mạnh.

Công ty Cổ phần DAP-Vinachem (DAP Đình Vũ) cũng thừa nhận, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp này trong quý 1 tăng mạnh chủ yếu là do giá bán tăng. Giá phân DAP bình quân đã trừ chiết khấu từ đầu năm của doanh nghiệp này đạt 18,4 triệu đồng /tấn (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm trước).

Trong quý 1, doanh thu của DAP Đình Vũ đạt 867,5 tỷ đồng (tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, doanh thu bán hàng trong nước đạt khoảng 304 tỷ đồng (giảm 16%), ngược lại doanh thu từ xuất khẩu tăng mạnh đạt 558,9 tỷ đồng (gấp 2,1 lần). Lợi nhuận của công ty đạt 136,5 tỷ đồng (tăng gấp 3,5 lần cùng quý năm ngoái)

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trong trong quý 1 cũng đạt doanh thu khoảng 1.590 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ thị trường nội địa đạt 1.475 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 114,6 tỷ đồng. Lợi nhuận của công ty đạt 176,5 tỷ đồng (tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái).

Đáng chú ý nhất, phải kể đến Tổng Công ty phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ), trong quý 1, doanh thu bán hàng đạt 5.884 tỷ đồng (gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái). Trong đó, doanh thu bán hàng trong nước đạt 5.248,7 tỷ đồng (tăng gấp 3,07 lần so với cùng kỳ). Doanh thu sản phẩm nhập khẩu đạt 636 tỷ đồng (gấp 2,4 lần).

Đạm Phú Mỹ đã trúng thầu xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn Urê trong quý 1 với giá bán cao ngất ngưởng. Năm 2022, Đạm Phú Mỹ chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 50.000 tấn nhưng ngay nửa đầu tháng 1, công ty đã trúng thầu xuất khẩu hơn 100.000 tấn. Kết quả, trong quý 1, lợi nhuận sau thuế của Đạm Phú Mỹ đạt kỷ lục 2.126 tỷ đồng (gấp 12 lần so với cùng quý năm ngoái), giúp doanh nghiệp này đạt gần 53% mục tiêu doanh thu và vượt 125% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong quý 1 đầu năm, xuất khẩu phân bón của Việt Nam tăng rất mạnh, đạt khoảng 439 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Giá phân bón trong nước và thị trường thế giới liên tục tăng mạnh, lập kỷ lục cao nhất trong 50 năm gần đây.

Theo một đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam, sau khi Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu phân bón, nhiều doanh nghiệp Việt đã tận dụng thời cơ để xuất khẩu. Việc này dẫn đến nguồn cung trong nước thiếu. Khi đó, doanh nghiệp tiếp tục nâng giá bán "té nước theo mưa" để được lợi cả đôi đường.

Để giảm nhiệt giá phân bón, theo vị này Chính phủ cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngừng xuất khẩu. Hiện nay, gần 100% thị phần phân bón xuất khẩu nằm trong tay các doanh nghiệp Nhà nước và việc hạn chế xuất khẩu là khả thi.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.