Ngốn trăm tỷ đồng, đường vẫn thành sông
Từng là điểm ngập kinh niên của TPHCM, đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) được TPHCM đầu tư gần 800 tỷ đồng để nâng cao độ mặt đường lên gần 2m, thay cống hộp lớn để chống ngập.
Tuy nhiên, mặt đường được nâng cao, hàng loạt nhà dân, các tuyến đường xương cá hai bên đường bỗng dưng biến thành hầm chứa nước, thấp hơn mặt đường cả mét. Khi tuyến đường này hoàn thành việc nâng cao độ, thay cống hộp thì nhiều bất cập lộ ra. Chỉ cần một cơn mưa nhỏ cũng đủ làm mặt đường lênh láng nước. Nước từ trên đường chảy tràn xuống các con hẻm kéo theo đủ loại rác thải đổ vào nhà như thác khiến người dân khốn khổ.
Để “chữa cháy” cho dự án này, Sở GTVT TPHCM triển khai thêm một dự án xây dựng trạm bơm có công suất 48.000m3/h với tổng kinh phí hơn 177 tỷ đồng tại rạch Bà Tiếng. Trạm bơm sử dụng công nghệ bơm ly tâm trục ngang từ những năm 90 và hiện đang trong quá trình xây dựng đế móng.
Cũng là những tuyến đường thường xuyên ngập nặng mỗi khi mưa lớn, triều cường, đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) cơ quan chức năng đầu tư hơn 160 tỷ đồng nâng cấp và xây dựng cống hộp quy mô lớn, kích cỡ 1,6 x 1,6m đến 2,2 x 2,2m trên đoạn đường dài 2.166m. Trong đó, một đoạn dài 802m được nâng cao độ mặt đường lên 1,7m vượt mức triều cường. Còn đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) cũng được đầu tư kinh phí gần 140 tỷ đồng để mở rộng và thay cống. Thời gian thi công kéo dài gần 2 năm khiến người dân hai bên đường phải sống trong cảnh mưa lầy nắng bụi, kinh doanh ế ẩm.
Khi các dự án này được hoàn thành, người dân chưa kịp mừng với hy vọng thoát cảnh ngập lụt thì nhiều bất cập lộ ra khi cứ mưa là ngập, thậm chí còn nặng hơn trước khi nâng đường khiến không ít người bức xúc. Đặc biệt, trận ngập vào ngày 25/11 vừa qua do ảnh hưởng của cơn bão số 9 khiến nhiều tài sản của người dân bị hư hỏng nặng, nước ngập có đoạn lên đến cả mét. “Chịu khổ suốt 2 năm thi công đường với hy vọng làm xong sẽ thoát cảnh ngập nước. Ai ngờ, đường nâng xong, cống to hơn mà cứ mưa là ngập, không hiểu họ đầu tư để làm gì nữa. Ngày xưa chịu khổ, giờ chịu cực”, chị Nguyễn Thị Mai (ngụ đường Nguyễn Văn Quá, quận 12) nói.
Cùng hoàn cảnh, gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn (đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9) kinh doanh ngay mặt tiền, suốt thời gian nâng đường, công việc kinh doanh bị đình trệ, vắng khách vì nắng thì bụi, mưa lầy. “Dù đường đã hoàn thành 2 năm qua nhưng không thấy chút hiệu quả nào trong khi tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng tiền thuế của dân. Cứ tình trạng này không biết bao giờ mới hết ngập”, ông Tuấn bức xúc.
Không khác gì những tuyến đường trên, đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) được đầu tư kinh phí 250 tỷ đồng để nâng cao độ, thay cống hộp. Tuy nhiên, dù nhiều đoạn đã được thi công hoàn chỉnh nhưng mỗi khi mưa lớn vẫn ngập. Nhiều người dân xung quanh phải lắp hẳn máy bơm trong nhà để bơm nước ra ngoài mỗi khi triều cường, trời mưa.
“Chịu khổ suốt 2 năm thi công đường với hy vọng làm xong sẽ thoát cảnh ngập nước. Ai ngờ, đường nâng xong, cống to hơn mà cứ mưa là ngập, không hiểu họ đầu tư để làm gì nữa. Ngày xưa chịu khổ, giờ chịu cực”
Chị Nguyễn Thị Mai (ngụ đường Nguyễn Văn Quá, quận 12)
Trách nhiệm của ai?
Trước tình trạng những công trình chống ngập được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng không phát huy được hiệu quả, nhiều chuyên gia đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của đơn vị quản lý khi đầu tư ngân sách.
Lý giải tình trạng ngập vẫn hoàn ngập trên đường Đỗ Xuân Hợp, lãnh đạo UBND quận 9 cho rằng, trên địa bàn còn có khoảng 40% số tuyến đường chưa có hệ thống thoát nước dẫn đến tình trạng ngập cục bộ. Riêng đường Đỗ Xuân Hợp, dù đã được đầu tư thay cống nhưng chưa kết nối được với các tuyến cống khác nên vẫn ngập. Trên địa bàn còn các tuyến đường khác như Lê Văn Việt, Nguyễn Xiển, Hoàng Hữu Nam,… vẫn chưa có cống thoát nước. Vì vậy, nếu các tuyến nhánh có làm hệ thống thoát nước thì cũng không biết thoát đi đâu.
Trong khi đó, lãnh đạo Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước (Trung tâm chống ngập) TPHCM cho rằng, đường Nguyễn Văn Quá được thay cống hộp, nâng cấp nhưng vẫn ngập là do mới hoàn thành 1 trong 2 cửa xả, cửa xả còn lại bị vướng mặt bằng nên chưa thể thi công. Cách đây không lâu, UBND quận 12 tiếp tục đề xuất làm hồ điều tiết tại sân bóng đá Cây Sộp (bên vỉa hè đường Nguyễn Văn Quá) để chống ngập cho khu vực này.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều công trình chống ngập không phát huy được hiệu quả, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường - Trường đại học Công nghiệp TPHCM cho rằng, TPHCM đã gặp sai lầm từ khi quy hoạch chống ngập. Việc quy hoạch không được lấy ý kiến rộng rãi, không đúng về chuyên môn kỹ thuật cũng như không áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại.
“Quy hoạch sai lầm dẫn đến tình trạng chống ngập theo kiểu “chữa cháy”, ngập đâu chữa đấy, không có chiến lược rõ ràng. Các công trình chống ngập đã làm còn có nhiều hạn chế, không hoàn chỉnh dẫn đến phản tác dụng, có nơi từ ngập nhẹ khi xong công trình chống ngập lại ngập nặng hơn. Nhiều công trình thi công chưa hoàn thiện dẫn đến việc không đánh giá chính xác được hiệu quả như hồ điều tiết, cống ngăn triều…”, ông Bá nhận định.
Theo ông Bá, hiện nay có nhiều công trình chống ngập mang tính cục bộ, ngập đâu chống đó và chống ngập theo tuyến đường là không hợp lý. Việc chống ngập phải thực hiện theo từng lưu vực và đặt mốc về cốt nền cho phù hợp mới xác định được nơi nào nên nâng, nơi nào không. Việc đặt cốt nền cũng tạo điều kiện cho người dân dựa theo tiêu chuẩn đó để xây dựng nhà cửa, tránh lộn xộn chỗ cao chỗ thấp.
TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, việc đầu tư các công trình chống ngập mà không phát huy được hiệu quả, thậm chí phản tác dụng thì cần phải truy trách nhiệm chủ đầu tư. “Sử dụng tiền thuế của người dân đầu tư công trình mà không biết có phát huy tác dụng không thì không được. Không phải cứ làm rồi đến khi không phát huy được tác dụng lại đổ thừa cho trời, cho hạ tầng…”, TS.Phạm Sanh nói.
Theo TS.Phạm Sanh, địa hình TPHCM không có độ dốc, các đường cống quá dài dẫn đến việc nước không thể thoát ra ngoài. Khi đó, việc nâng đường, thay cống lớn chỉ để chứa nước chứ không thoát nước. “Không phải cứ nâng đường, thay cống là hết ngập. Có những tuyến đường thấp, độ dốc không có khi thay cống hộp to chỉ làm nơi chứa nước và lúc triều cường, nước tràn ngược trở vào chứ không thể thoát ra ngoài”, ông Sanh phân tích.