Không dùng là... khỏi bệnh
Chị Hoa (ở Định Công, Hà Nội) cho biết, đã từ rất lâu, chị vẫn thường có thói quen dùng giấy vệ sinh để thấm khô sau mỗi lần đi vệ sinh. Thế nhưng thời gian gần đây, do nghi ngờ giấy vệ sinh là nguyên nhân gây ngứa âm đạo và gây nổi ban đỏ xung quanh vùng kín nên chị đã ngừng không dùng nữa và kết quả là… khỏi bệnh. Loại giấy vệ sinh mà chị sử dụng rất trắng và dai. Một bịch gồm 12 cuộn giấy được chị mua với giá 65.000 đồng.
Theo chị Hoa, trước đây bệnh ngứa vùng kín thỉnh thoảng mới xuất hiện nhưng thời gian gần đây, do mang bầu, một ngày chị phải đi tiểu nhiều lần nên tần suất sử dụng giấy vệ sinh để thấm khô nhiều lên gấp 3, gấp 4 lần ngày thường.
Chị Hoa cũng rất cẩn thận trong khâu giặt đồ lót và phơi phóng. Vì sức khỏe không tốt nên chị cũng kiêng cữ luôn cả chuyện quan hệ tình dục với chồng. Mặc dù cẩn thận và sạch sẽ như vậy nhưng chị liên tục bị ngứa “chỗ kín”.
Nghi ngờ thủ phạm là giấy vệ sinh, chị ngưng sử dụng ít ngày, thấy đỡ. Nhưng vì không có biện pháp nào khác để thấm ướt “chỗ kín”, mà chị lại đi tiểu liên tục nên chị lại phải sử dụng giấy vệ sinh. Và hậu quả là chị lại bị ngứa. Thậm chí lần gần đây nhất là xung quanh “vùng kín” của chị bị nổi một loạt ban đỏ.
Về vấn đề này, BS Lê Thị Kim Dung, Phụ trách Khoa Sản, Trung tâm Y khoa Thái Hà (Hà Nội) cho biết, “vùng kín” của phụ nữ là vùng da ẩm ướt, nhạy cảm, đặc biệt là phần niêm mạc.
Nếu giấy vệ sinh sản xuất theo đúng quy trình và đạt tiêu chuẩn thì sẽ không gây hại cho da. Tuy nhiên, nếu giấy vệ sinh được tẩy rửa với lượng hóa chất quá cao dẫn đến việc tồn dư trên giấy quá nhiều thì việc gây kích ứng cho vùng da nhạy cảm như vùng kín của phụ nữ là khó tránh khỏi.
Nhất là với tần suất sử dụng giấy vệ sinh quá nhiều lần trong một ngày như chị Hoa thì lưu lượng hóa chất tồn dư hoặc tạp chất còn trên giấy vệ sinh không đảm bảo chất lượng sẽ gây kích ứng dẫn đến viêm nhiễm là khó tránh khỏi.
Theo BS Ngô Kim Thanh, Khoa Da liễu và tiêu hóa (Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM), không hiếm bệnh nhân mắc bệnh phụ khoa có liên quan đến việc tiếp xúc với giấy vệ sinh. Trong đó, nhiều chị em bị ở các khu vực nhạy cảm như viêm âm hộ, âm đạo, viêm quanh hậu môn.
Triệu chứng của hầu hết những người bệnh này là: Cùng chứng ngứa, nổi chàm và sau khi ngưng dùng giấy lau thì khỏi bệnh. Chưa có nghiên cứu cụ thể, nhưng qua thực tế điều trị có thể cho thấy, những người có cơ địa nhạy cảm thường phản ứng với giấy lau và đặc biệt là những loại giấy không đạt chất lượng hoặc không được bảo quản tốt.
Đầu độc người tiêu dùng vì… lợi nhuận
Nói về thực trạng sản xuất giấy tiêu dùng hiện nay, TS Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam cho rằng, hiện còn rất nhiều loại giấy được sản xuất theo một quy trình bẩn.
Giấy vụn thay vì được xử lý theo quy trình tách rác - tách tạp chất - khử mực -khử các loại hóa chất trên giấy - tẩy - phân tán sợi - xử lý nhiệt - rửa nhiều cấp - tẩy trắng bằng H2O2, thì các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ vì không có đủ máy móc lại tiết kiệm chi phí nên đã bỏ bớt các bước tẩy mực làm sạch và dùng Clo nguyên chất vốn độc hại để tẩy trắng. Cách làm này theo TS Vũ Ngọc Bảo sẽ khiến giấy thành phẩm còn lẫn nhiều tạp chất, chất bẩn, vi khuẩn, trong đó có các hóa chất gây hại có thể khiến dị ứng với da hoặc các bệnh đường tiêu hóa.
Theo tìm hiểu của PV, chất huỳnh quang được dùng khá bừa bãi trong sản xuất giấy. Trên thế giới người ta cấm tuyệt đối không được cho chất tăng trắng, cụ thể là chất huỳnh quang vào các loại giấy bao gói thực phẩm, giấy làm cốc đĩa ăn và giấy vệ sinh. Bởi các chất này có nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người dân, trong đó không loại trừ ung thư.
Hầu hết các cơ sở sản xuất ở quy mô nhỏ, do thiếu vốn nên thường sử dụng công nghệ sản xuất lỗi thời. Những sản phẩm giấy kém chất lượng thường được làm từ những nguồn nguyên liệu không được đảm bảo, kỹ thuật xử lý, tái chế cẩu thả tạo dư lượng hóa chất, chất bẩn và vi khuẩn trong giấy thành phẩm rất cao, khả năng gây dị ứng và những nguy cơ tiềm ẩn không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.
TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, cũng như nhiều ngành nghề khác, hiện nay vấn đề kiểm định và giám sát các sản phẩm phục vụ tiêu dùng chưa thực sự được chú ý, đó là nguyên nhân khiến các nhà sản xuất giấy tiêu dùng sử dụng bừa bãi các loại hóa chất, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
“Bao giờ cũng vậy, trong điều kiện xã hội thiếu văn minh, thiếu sự kiểm soát nghiêm ngặt thì những người sản xuất hàng hóa sẽ chỉ chú ý đến lợi nhuận mà bỏ qua vấn đề đảm bảo sự an toàn cho sức khỏe con người. Nên vấn đề đặt ra là nhà nước ta phải ý thức rất rõ về vấn đề kiểm định và giám sát khâu sản xuất hàng hóa thì mới ngăn chặn được tình trạng “các nhà sản xuất đầu độc người tiêu dùng” như hiện nay”, TS Nguyễn Duy Thịnh nói.