Bàn cách phục hồi kinh tế sau đại dịch, nông dân Tây Nguyên vẫn lo phân bón giả

Một vườn tiêu Đắk Lắk từng bị cháy sau khi bón phân
Một vườn tiêu Đắk Lắk từng bị cháy sau khi bón phân
TPO - Ngoài mong muốn tìm đầu ra sản phẩm ổn định sau tác động của đại dịch COVID-19, nhiều nông dân Tây Nguyên đến với Festival “Sản phẩm vật tư nông nghiệp và thương mại toàn quốc năm 2020” vẫn thường trực nỗi lo phân bón giả, dởm.

Chương trình do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức (từ ngày 16-21/10, tại TP Buôn Ma Thuột) gồm chuỗi các hoạt động: Hội chợ, hội thảo, chương trình xúc tiến đầu tư…

Các gian hàng trưng bày trong hội chợ (gồm hơn 350 gian hàng đến từ 21 tỉnh thành trong cả nước), ông Nguyễn Văn Vinh (huyện Krông Năng, Đắk Lắk) vẫn chăm chú vào  sản phẩm phân bón. Ông Vinh chia sẻ: "Trên thị trường có rất nhiều loại phân bón, nhãn hiệu khác nhau. Tôi là nông dân nên rất quan tâm, tìm sản phẩm chất lượng bởi từng mua phải phân dởm cách đây 2 năm. Phân bón cho cây nhưng không tan, vón cục như bột mì. Tôi phản ánh đại lý thì họ bảo mua sao bán vậy, còn công ty sản xuất thì giải thích vòng vo. Cuối cùng tôi vừa mất tiền, thời gian lẫn niềm tin”.

Tại Hội thảo với chủ đề “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, phục hồi và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp Đắk Lắk, miền Trung - Tây Nguyên và cả nước sau đại dịch COVID-19” (nằm trong khuôn khổ Festival), anh Đậu Văn Thìn (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) cũng nêu: “Nông dân gặp nhiều khó khăn để đòi quyền lợi khi mua phải phân bón dởm vì có những loại bón vào cây phải  mất 1 thời gian mới đánh giá chất lượng. Quy trình xác định phân bón có dởm, giả hay không phải qua nhiều công đoạn, tốn thời gian nên nông dân "chờ được mạ má đã sưng". Do đó, tôi kiến nghị cơ quan chức năng quản lý, giám sát chặt chẽ các công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh phân bón”, anh Thìn bày tỏ.

Theo số liệu tại hội thảo, trong 2 năm (2018 và 2019), các cơ quan chức năng của cả nước đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 82,6 tỷ đồng liên quan đến phân bón giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; Trong đó xử lý hình sự 12 vụ với 10 bị can. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho hay, vấn nạn phân bón giả, dởm vẫn hoành hành.

Ông Nguyễn Khắc Toàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, mỗi năm nước ta sản xuất và sử dụng trên dưới 11 triệu tấn phân bón (chủ yếu vô cơ). Phân bón giả, kém chất lượng; Phân bón nhiều chủng loại, công ty sản xuất không được thẩm định... khi sử dụng sẽ bào mòn hệ dinh dưỡng của đất, giảm năng suất trong sản xuất nông nghiệp. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng sẽ phối hợp các cơ quan liên quan thành lập và tham gia vào các đoàn kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh phân bón.

Liên quan đến phản ánh của người dân Tây Nguyên về thực trạng phân bón giả, tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần 3 diễn ra vào tháng 9/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân tiêu thụ phân bón giả.

MỚI - NÓNG