Xét cho cùng cũng do tôi là tay có máu lang bạt kỳ hồ, toàn theo kiểu “ngưu tầm ngưu”, hay kết bạn với những tay cùng máu giang hồ… vặt. Ấy là tay Tạo Nguyễn Trọng. Tạo hơn tôi hai ba tuổi nhưng cánh tôi quen ù à ù ập vào cùng trang lứa.
Thơ Tạo với những bài thơ “cháy” cả một khoảng trời thơ đương đại như bài “Tản mạn thời tôi sống” khiến các bạn thơ cũng như các nhà quản lý tự dưng chia thành hai phe, phe khen và phe chê. Phe khen thì khen hết mình. Phe chê thì cũng chê quyết liệt. (Nhưng cái sự quyết liệt ấy tôi đọc được nó xuất phát từ một định hướng). Bên khen gọi bên chê là bọn bảo thủ. Bên chê bảo bên khen là nhóm cấp tiến, cực đoan. Thơ thế sự của Tạo không nhiều nhưng để lại dấu ấn đậm. Tạo là nhà thơ chịu ảnh hưởng nhiều của các nhà thơ Xô viết như Mai -a - cốp -xki (Mayakovsky) hay Ê - xê - nhin (Yesenin)….
Thơ Tạo cũng được in ở báo rất sớm. Năm 1962, Tạo đã có bài thơ in đầu tiên trên báo Tiền Phong. Hình như bài “Hương Lúa”. Lứa chúng tôi mà anh nào có thơ văn, có bài được in trên báo Tiền Phong là cả một sự vinh dự tự hào khôn tả. Trong số các nhà thơ viết báo thời chúng tôi, tôi thấy có hai “tay” cự phách, ấy là nhà thơ Thanh Thảo và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Cả hai “tay” này đều mỗi “tay” trấn một mục thiết yếu của hai tờ báo. Thanh Thảo trên Thanh Niên và Trọng Tạo trên Tiền Phong. Có người hỏi Tạo lấy thời gian đâu mà làm nhiều việc thế? Tạo chỉ cười cười. Làm thơ, uống rượu, viết báo, viết văn sáng tác nhạc đều ngang nhau. Thời chiến tranh biên giới phía Bắc, Tạo “ra quân” hẳn một trang thơ to vật trên báo Tiền Phong.
Năm ngoái, đêm thơ nhạc Nguyễn Trọng Tạo tại Nhà Hát Lớn hoành tráng và ấm áp. Một chương trình sang trọng và quyến rũ đã hấp dẫn hàng mấy chục nghệ sĩ tới đây biểu diễn và tôn vinh tài năng của Tạo. Dịp cuối năm Tạo về quê giỗ mẹ, làm xong ngôi nhà thờ cúng cụ thì không may Tạo bị tai biến ngã sập một cái, tưởng đi! Nhưng sau đó gượng dậy được, Tạo nói vui với tôi: Số giời bảo chưa vội đi nên Tạo đã từ từ ổn lại. Khi gượng dậy được ít bữa thấy hay hay, thấy trời quang, mây tạnh, thấy nước sông quê chảy êm ả hiền hòa, ngôi nhà Tạo về làm giỗ mẹ đã đẹp đẽ, yên lành. Tạo nhoẻn cười từ từ ngồi dậy, từ từ đứng lên.
Thời chiến tranh biên giới phía Bắc, Tạo “ra quân” hẳn một trang thơ to vật trên báo Tiền Phong.
Tạo nhanh chóng hồi phục, nhanh chóng vươn vai và Tạo bật dậy. Bật dậy rồi bắt đầu tiếp tục nghe ngóng: đi nhẹ nói khẽ rồi cảm thấy sức đã dần dần hồi phục. Rồi hồi phục tốt thật. Tạo đã thấy mình thật bình thường. Các tứ thơ bắt đầu ngo ngoe trở dậy đùa cợt trêu chọc Tạo mỗi khi thấy các o má phấn môi son, thấy các đám mây hè thu tan hợp, thấy gió hàng cây xào xạc.
Và Tạo ngồi vào bàn gõ máy tính, gửi email mà Tạo tự thấy đầu óc, tay mắt mình có một sức bật mới bởi có một tiềm năng mới thực sự dồi dào đang đến nên Tạo đã cùng các bạn, cùng các nhà tổ chức ở Vinh của Nghệ An lên bục cầm đũa chỉ huy chuẩn bị làm một bữa tiệc thơ nhạc Nguyễn Trọng Tạo thật quy mô hoành tráng nhằm tôn vinh Mẹ Quê Hương.
Một nghệ sĩ thứ thiệt. Một nhà văn nhà thơ thứ thiệt. Một con người chân chất hiền lành, tháo vát, giảo hoạt và bay bướm như Tạo được quê Mẹ tôn vinh.
Ốm thì mặc ốm. Cũng như hồi trai trẻ hát “gió mặc gió mưa mặc mưa vậy”. Tuổi ngoài 70 như anh em cánh tôi không ốm mới là lạ. Ốm đau là việc của ông Giời. Nghiệp chướng cũng là của ông Giời. Nhưng buồn vui thì của bản thân mình sống cùng bầu bạn túi thơ khúc nhạc chả có gì phải lăn tăn. Bây giờ Tạo đã về nhà sau một đôi lần trị xạ. Hôm nay tôi đến chơi thăm Tạo. Cứ năm mười phút lại có một cú điện thoại, một cú nhắn tin. Tạo không bỏ qua bất kỳ cú điện thoại nào của bạn bè, của độc giả, của thính giả. Chiến đấu với bệnh tật mà cũng sẵn sàng vui tiếp bạn bè. Tôi rủ Tạo cà phê. Tạo ok ngay. Tôi bảo chuyến này tôi phải viết một bài về Tạo cho báo Tiền Phong. Tạo cười bảo tôi tuyệt vời, không phải vì Đỉnh, không phải vì Tạo mà viết vì độc giả Tiền Phong thì Đỉnh cứ viết. Viết gì cũng được. Vì nơi ấy nhiều năm nay anh em chúng mình đã thân thiết gắn bó như anh em bạn bè chiến hữu vậy.
Hà Nội chiều tối ngày 6 tháng 11 năm 2018
T.T.Đ