Bài học chọn nghề vào đời

Bài học chọn nghề vào đời
Tuổi 15, 16 vô tư, ham chơi khiến tôi vấp ngã - rớt lớp 10. Sau buổi học, tôi nặng nhọc lê bước xuống cầu thang, nhìn thấy thằng bạn cùng cảnh ngộ đang lau vội mấy giọt nước mắt lăn trên má. Năm học tiếp theo, tôi được xếp vào một lớp có đến hơn 10 đứa ở lại trên tổng số 45 học sinh.

Mang mặc cảm tự ti, chán nản, lại thiếu sự quan tâm của giáo viên chủ nhiệm, nên quá nửa đám học sinh lưu ban như tôi thường rủ nhau trốn học ra quán cà phê gần trường tụ tập bài bạc. Mải mê chơi nhưng tôi vẫn được đẩy lên lớp 11.

Những năm đầu thời kỳ Đổi mới, thông tin hướng nghiệp hầu như không có khiến một đứa học trò lười học và mất phương hướng như tôi nhận thấy con đường vào đại học quá xa vời. Tôi chợt nghĩ sao ta không học nghề để có được tương lai? Tôi lân la hỏi thăm thầy giáo dạy toán trong trường vốn kiêm thêm nghề chụp ảnh, được ông giới thiệu đến học nghề rọi ảnh thủ công với một người tàn tật.

Kể từ đó, ngoài giờ đến trường, tôi ghé nhà thầy học chụp ảnh và làm các công việc của một người thợ rọi ảnh thủ công. Sau đó tôi theo thầy xuống Cần Thơ làm công trong một cơ sở tráng rọi ảnh điện tử. Mặc dù đã có được thu nhập tự lo cho mình, nhưng tôi chợt nhận ra cái nghề của mình sắp lỗi thời trước xu hướng chụp, rọi ảnh bằng máy móc hiện đại.

Sau nhiều suy tư, cân nhắc, tôi quyết định trở về Long Xuyên vừa làm nghề, vừa ôn lại kiến thức để thi vào đại học. Năm 1999, tôi ra trường và trở thành thầy giáo.

Nhìn lại chặng đường nghề nghiệp đã qua, tôi không khỏi tự hào bởi mình đã tự bơi trong một cái biển mù sương để rồi tìm thấy được bến bờ. Trong mỗi năm học, tôi luôn tận dụng những giờ phút hiếm hoi ngoài chuyên môn để hướng nghiệp cho học trò. Biết học sinh trường tôi thuộc dạng trung bình, khó có cửa vào được các trường đại học danh giá nên tôi thường khuyên các em tự lượng sức chọn thi vào các khối ngành bậc trung cấp, cao đẳng. Tôi luôn nhấn mạnh: “Thà làm thợ giỏi còn hơn làm ông thầy làng nhàng”. Dù vậy, lắm lúc tôi có cảm giác tiếng nói của mình quá nhỏ bé, lạc lõng trước kỳ vọng hết sức lớn lao của các phụ huynh và cả ảo vọng được bước chân vào giảng đường đại học của học trò mình.

Tôi đã từng chọn con đường vòng vì thiếu thông tin nghề nghiệp, còn học sinh ngày nay có thể tìm được rất nhiều thông tin nghề nghiệp trên mạng, báo đài và từ thầy cô trong nhà trường. Thế nhưng tôi biết các em vẫn thiếu rất nhiều thứ để lựa chọn đúng đắn một ngành nghề phù hợp với năng lực bản thân, phù hợp với nhu cầu của xã hội cả trước mắt và tương lai.

Theo Thanh niên
MỚI - NÓNG