Trong năm 2013, tuổi trẻ Hưng Yên thực hiện 3 công trình thanh niên cấp tỉnh, 41 công trình thanh niên cấp huyện. Trên địa bàn tỉnh, có nhiều mô hình và tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi.
Nổi bật có mô hình tổ hợp tác dịch vụ máy làm đất xã Hồng Tiến (huyện Khoái Châu) góp phần đảm bảo đúng thời vụ sản xuất cho nhân dân và tạo việc làm, thu nhập cho thanh niên; Mô hình trồng rau an toàn xã Lạc Hồng (huyện Văn Lâm); Mô hình trồng phong lan xã Phụng Công (huyện Văn Giang).
Đoàn viên Nguyễn Thị Hằng (thôn Cao, xã Bảo Khê, TP Hưng Yên) cùng với gia đình quản lý có hiệu quả Cty May xuất nhập khẩu Bảo Ngọc giải quyết việc làm cho 100 - 200 lao động trẻ với mức lương trung bình 3 – 4 triệu đồng/tháng; Mô hình sản xuất đồ gỗ của anh Nguyễn Văn Trường (xã Thanh Long, Yên Mỹ) giải quyết việc làm cho 20 - 30 lao động với lương bình quân 5 triệu đồng/tháng.
Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bên cạnh huy động sức trẻ tình nguyện còn vận động, ủng hộ được từ nhiều nguồn lực khác hỗ trợ kinh phí hoạt động của Đoàn.
Trong Năm Thanh niên tình nguyện, Tỉnh Đoàn Hưng Yên triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm với một số chỉ tiêu như: Phát động mỗi ĐVTN, sinh viên tham gia ít nhất 100 giờ tình nguyện trong năm. Mỗi Đoàn cấp cơ sở có ít nhất một đội TNTN, mỗi tháng có ít nhất một hoạt động tình nguyện.
Mỗi huyện, Thành Đoàn cải tạo ít nhất 2 bể bơi và tổ chức lớp dạy bơi cho thanh thiếu niên. Vận động ĐVTN hiến máu đạt từ 3.500 đơn vị máu trở lên. Mỗi Đoàn cấp huyện trên địa bàn nông thôn có tối thiểu một CLB Thanh niên làm kinh tế…
Bí thư Tỉnh Đoàn Hưng Yên Nguyễn Văn Đoàn cho biết, trong năm 2014 sẽ có các hoạt động trọng tâm như: Tổ chức giải bóng đá học sinh, sinh viên cấp tỉnh lần I; Tổ chức lớp “Khởi sự doanh nghiệp” cho sinh viên; Tổ chức ngày hội những người tình nguyện đồng loạt tại huyện, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc.
Phát biểu kết luận, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh chỉ đạo tỉnh đoàn cần lưu ý phân luồng thông tin từ trung ương đến tỉnh, từ tỉnh đến cơ sở, tránh thông tin đi thẳng đến cơ sở tạo gánh nặng cho cơ sở. Do đó chọn việc cụ thể cho cơ sở làm tránh sự dàn trải. Đối với tỉnh đoàn phải phát huy vai trò của các Ban chuyên môn trong công tác tham mưu xây dựng chương trình hành động. Tỉnh đoàn nên có phương thức chỉ đạo linh hoạt để công việc có hiệu quả hơn.
“Cách thiết kế hoạt động nên xuất phát từ nhu cầu thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và ĐVTN”, anh Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ.
Trong chương trình làm việc, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Nguyễn Đắc Vinh đã đi thăm một số mô hình về xây dựng nông thôn mới tại huyện Khoái Châu.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng đi thăm mô hình về xây dựng văn minh đô thị tại TP Hưng Yên; Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải làm việc với Huyện Đoàn Kim Động, một số Đoàn xã, Đoàn khối các cơ quan huyện và Đoàn trường; Bí thư T.Ư Đoàn Đặng Quốc Toàn làm việc với Huyện Đoàn Văn Lâm.