Bão Tembin cấp thảm họa: Dốc toàn lực ứng phó

Bài học bão Linda còn đó

Tàu cập bến ở Trà Vinh để tránh bão Tembin (ảnh lớn). Chằng chống nhà (ảnh nhỏ). Ảnh: PV.
Tàu cập bến ở Trà Vinh để tránh bão Tembin (ảnh lớn). Chằng chống nhà (ảnh nhỏ). Ảnh: PV.
TP - Lãnh đạo các tỉnh miền Tây Nam bộ dốc toàn lực triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 16 (bão Tembin) để không lặp lại bài học xương máu bão Linda năm 1997. Thế nhưng một bộ phận người dân vẫn còn lơ là, chủ quan vì vùng đất không mấy khi có bão.

Huy động toàn lực phòng chống bão

Ngày 24/12, Thường trực Tỉnh ủy, UBND và Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu họp khẩn và triển khai lực lượng kiểm tra, điều động phương tiện cứu nạn, cứu hộ đến khu vực trọng điểm phòng chống bão số 16 dự báo rất mạnh, có khả năng đổ bộ vào đất liền.

Ông Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nói: “Chúng ta còn hơn một ngày nữa để phòng tránh, vì cơn bão Tembin đang đến rất gần, với cường độ mạnh. Ngày hôm nay và sáng ngày mai (24 và 25/12) lực lượng ứng cứu, chuẩn bị của người dân phải hoàn tất. Trước mắt, các địa phương, nhất là vùng ven biển phải di dời dân đến nơi an toàn, bảo quản tài sản, thành quả sản xuất…”.

Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Đài PT - TH Cà Mau, đài truyền thanh các huyện, xe thông tin phát liên tục, cập nhật thông tin diễn biến bão số 16. Từ sáng hôm nay (24/12) di dời người già, trẻ em, tài sản đến nhà người thân có nhà cửa chắc chắn và cho học sinh nghỉ học từ 25-26/12.

Đề nghị ngành GT-VT, Viễn thông, Điện lực… bảo vệ thiết bị, giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống. Lực lượng Công an, Biên phòng, Quân đội… huy động lực lượng, chuẩn bị phương tiện để ứng trực cứu hộ.

Cùng thời điểm này, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu họp khẩn, bàn giải pháp, nhiệm vụ phòng tránh, ứng phó bão Tembin với những giải pháp cấp bách được đưa ra. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - ông Dương Thành Trung chỉ đạo cho di dời dân ở những nơi nguy hiểm vào nơi tránh trú an toàn ngay từ ngày 24/12 và cho học sinh nghỉ học từ ngày 25/12.

Ban chỉ huy PCTT - TKCN Bạc Liêu đề nghị chủ tịch các huyện ven biển là Đông Hải, Hòa Bình, thành phố Bạc Liêu cần di dời, sơ tán dân từ 24/12.

Hơn 1.000 hộ dân sống ven biển, trong rừng phòng hộ thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình, Đông Hải bắt buộc phải di dời vào trong đất liền. Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Bạc Liêu cho biết, sẽ sơ tán hơn 85.000 hộ dân, tương đương hơn 365.700 người, với tổng số 31.000 điểm sơ tán là trụ sở cơ quan, trường học, điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng và nhà người dân xây dựng kiên cố.

Các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… nghiêm cấm tàu khai thác biển ra khơi từ ngày 24/12 và liên lạc thường xuyên với tàu đang hoạt động trên biển, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và có thể tránh trú bão ở các nước bạn.

Bài học bão Linda còn đó ảnh 1 Tàu cá neo đậu tránh bão.

Vẫn chủ quan, lơ là

Ông Hồ Trung Việt, Bí thư Thành ủy Cà Mau nói: “Thành phố Cà Mau cho lực lượng, phương tiện chở bao cát để giúp bà con chằng chống nhà cửa nhưng bà con không chịu, vì cho rằng dự báo bão mà không có bão”.

 Đại tá Trương Dũng Tiến, Chỉ huy trưởng BCH quân sự tỉnh Cà Mau nói: “Tôi đi kiểm tra công tác phòng chống bão 16, nhiều cán bộ khóm, ấp tập trung lại uống trà. Bực quá, tôi nói các anh đến đây để uống trà thì ở nhà. Bây giờ, các anh phải xuống dân, xem bà con có biết thông tin chưa, chuẩn bị đối phó như thế nào? Nếu bà con làm không đúng cách thì sửa ngay để bảo vệ tính mạng, tài sản bà con”.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết, chính quyền, bộ đội biên phòng, đoàn thể đã đến từng hộ dân nơi cửa sông, cửa biển có khả năng bị ảnh hưởng do bão số 16 đổ bộ. Nhưng bà con còn chủ quan, lơ là và không có kinh nghiệm phòng chống bão.

Ông Nguyễn Minh Cảnh nói: “Chúng tôi đã ra thời hạn cho bà con di dời, nếu không sẽ xin phép cưỡng chế di dời bà con sống ở cửa sông, cửa biển vào nơi an toàn trong ngày 25/12”.

Kiểm tra thực tế tại Cái Đôi Vàm (Phú Tân, Cà Mau), ông Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo chính quyền địa phương: “Nếu chủ tàu không chịu neo đậu đúng cách, tránh va chạm,… cần lập biên bản, cấm hoạt động khai thác sau này. Trên đất liền, chính quyền huy động lực lượng, dụng cụ chằng chống nhà cửa cho bà con, nghiệm thu để thanh toán sau”.

Đài truyền thanh huyện Đông Hải (Bạc Liêu) liên tục phát thông tin hướng di chuyển nhanh, cường độ mạnh, bão số 16. Tuy nhiên, một bộ phận người dân sống, mua bán dọc bờ kè Gành Hào (Đông Hải) vẫn chưa có động thái chuẩn bị di dời, chằng chống nhà cửa, ứng phó với cơn bão đang đến gần.

Hàng chục ngôi nhà bán kiên cố và tạm bợ, rất khó chống chịu với các cơn gió lớn nhưng tất cả đều không được chằng giữ, bảo vệ. Ông Bùi Minh Túy - Chủ tịch UBND huyện Đông Hải lo lắng: “Nếu sóng biển đánh cao 7-9 m khi bão vào, tuyến đê kè Gành Hào vỡ sẽ nhấn chìm hơn 15.000 dân ở thị trấn Gành Hào, rất nguy hiểm, cần di dời, sơ tán trước bão”.

Bài học bão Linda còn đó ảnh 2 Phương châm xanh nhà hơn già đồng.

Bến Tre: Ngày 24/12, ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, địa phương đang gấp rút chuẩn bị sơ tán dân, kêu gọi tàu đánh cá vào bờ, chằng chống lại nhà cửa… trước khi cơn bão đổ bộ vào đất liền. Tại khu vực cảng cá Bình Đại, khu neo đậu tránh trú bão Bình Đại (xã Bình Thắng, huyện Bình Đại) có hàng trăm phương tiện đánh bắt thủy sản đang trên đường vào bờ và neo đậu an toàn. Theo UBND huyện Bình Đại, toàn huyện có 1.144 tàu đánh bắt thủy sản và 26 tàu ngoài tỉnh. Trong đó, 825 tàu đang neo đậu ở nơi trú bão, 345 phương tiện còn hoạt động trên biển. Có 194 phương tiện đang trên đường vào bờ, số còn lại đang vào tránh trú bão tại các địa phương khác. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 2.680 phương tiện tàu, thuyền đã tìm được nơi neo đậu tại các bến, bãi của tỉnh và khu vực các đảo. Hiện nay, vẫn còn 487 phương tiện/1.948 người đang hoạt động trên biển ngoài khu vực nguy hiểm và đang trên đường vào bờ để tránh trú bão.

Dự kiến toàn tỉnh sẽ di dời khoảng 20.000 người, trong đó tập trung ưu tiên người già, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật…

Cần Thơ: Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ kiêm Phó Trưởng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố cho biết trường hợp bão mạnh có sức gió trên cấp 10 sẽ sơ tán 137 nghìn người đến địa điểm an toàn trú bão.

Sóc Trăng: Sở GD&ĐT Sóc Trăng đã thông báo đến các trường học cho học sinh nghỉ học trong hai ngày 25 và 26/12.

Trà Vinh: Trưa 24/12, trao đổi với  phóng viên Tiền Phong, ông Kim Ngọc Thái - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, vừa ra thông báo cho toàn bộ học sinh trên địa bàn tỉnh nghỉ học trong 2 ngày 25 và 26/12 nhằm ứng phó với bão Tembin. Ông Thái cho biết, toàn tỉnh Trà Vinh hiện có 1.216 tàu thuyền đánh cá với 4.861 ngư dân hành nghề. Thời điểm này, tất cả tàu thuyền và ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn.

Hậu Giang: Tại cuộc họp khẩn của UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức ngày 24/12, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng đã chỉ đạo: “Sẵn sàng ứng phó mọi diễn biến bất thường của bão Tembin”, hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão.

Kiên Giang: Báo cáo tại cuộc họp khẩn chiều tối ngày 24/12, ông Mai Anh Nhịn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Đến nay, có 6.841 tàu thuyền đánh cá trên vùng biển tỉnh Kiên Giang đã về nơi tránh trú bão an toàn. Tỉnh cũng đã lên kế hoạch sơ tán 213.385 người ở các vùng nguy cơ ảnh hưởng như: Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá, An Minh, Hòn Đất; lên phương án bảo vệ 150km đê biển, đê bao, cống xung yếu. Khoảng 2.800 chiếc lồng bè trên biển và quanh đảo đã được gia cố, neo chống bão. Gần 120 ngàn ha tôm cũng đã được chính quyền vận động nhân dân gia cố bờ ao để bảo vệ. Đáng chú ý có trên 20 ngàn ha lúa mùa ở khu vực U Minh Thượng đang vào vụ thu hoạch nếu bão vào thì rất đáng lo ngại. Cũng theo ông Nhịn, tất cả các nhà hàng ven biển sẽ tạm đóng cửa trong ngày mai. Các tuyến tàu khách ra đảo Phú Quốc, quần đảo Nam Du... tạm ngưng hoạt động từ sáng 25/12;

Chủ tịch UBND tỉnh này ông Phạm Vũ Hồng nhấn mạnh: “Hiện vẫn còn 1.200 chiếc tàu thuyền chưa vào bờ. Tôi yêu cầu lực lượng Biên phòng phối hợp với ngành chức năng, chậm nhất 10 giờ sáng mai phải kêu gọi cho cho bằng được ngư dân vào nơi trú ẩn  an toàn”.

MỚI - NÓNG