Cuộc chạy tiếp sức giữa các thế hệ
Chương trình kỷ niệm được mở đầu bằng tiểu phẩm hài về cặp vợ chồng nhà nghèo mà sinh 10 đứa con. Chúng chính là 10 bài hát của năm đã được bình chọn suốt một thập kỷ. Nhưng chương trình còn sản xuất được số lượng ca khúc mới nhiều hơn thế với hàng chục ca khúc được “trình làng” mỗi tháng. Trong đoạn clip mà nhạc sĩ An Thuyên - một trong những người đầu tiên tham gia hội đồng nghệ thuật của chương trình kể lại lý do ra đời Bài hát Việt đó chính là lúc những thứ âm nhạc ngoại lai, nhạc nhép, nhạc “nhái” tràn lan. Bài hát Việt được ra đời trước hết nhằm kéo người xem trở lại với những tác phẩm âm nhạc đích thực, nhiều tính sáng tạo. Đồng thời, như nhạc sĩ An Thuyên nói thì nó cũng là một cuộc “chạy tiếp sức” giữa các thế hệ, cha và con, anh và em “lớn chưa từng có”.
Năm 2005, khi chương trình mới ra đời, tôi còn ở Hà Nội và nghe không ít lời “bàn ra tán vào” khi các tác giả được chọn công bố tác phẩm đa số còn trẻ, ít tiếng tăm, nhiều người không phải hội viên hội nhạc sĩ – một tiêu chí gần như bắt buộc đối với những người muốn công bố tác phẩm một cách đường hoàng tại Hà Nội. Ít lâu sau, người ta nghe thấy những lời “trấn an” các bậc trưởng lão rằng sân chơi Bài hát Việt sẵn sàng mở rộng với bất kỳ ai, không giới hạn tuổi tác hay danh phận.
Nhưng khi điểm lại những khuôn mặt “độc và lạ” như giới trẻ hay nói về chương trình này, ta thấy các tác giả phần nhiều là những khuôn mặt mới toanh và nhiều người thậm chí còn bị cho là “không biết nhạc” như trường hợp Nguyễn Vĩnh Tiến. Nhạc sĩ trẻ này đã bị “lên báo” vì cái tội “chỉ biết lõm bõm đánh ghi ta mà đòi sáng tác nhạc”.
Trong khi người ta hầu như quên mất rằng những nhạc sĩ cách mạng nổi tiếng một thời như Văn Cao, người sáng tác quốc ca, cũng viết nhạc mà không qua trường lớp nào. Hay Phạm Duy cũng chỉ học nhạc tại Pháp sau khi ông đã sáng tác rất nhiều tác phẩm và lừng lẫy trong giới âm nhạc. Trịnh Công Sơn cũng chẳng qua trường nhạc nào cả. Tiêu chí “học ở nhạc viện” hay “học ở trường nhạc nào đó” giờ đây quan trọng hơn là “học trò của ai” (học riêng) hay tự học (qua sách vở). Cơ hội nào cho các nhạc sĩ trưởng thành bằng con đường tự học? Bài hát Việt mở ra cánh cửa hẹp để “Bà tôi” đến được với công chúng qua kênh truyền thông.
Nghiệp dư nhưng không bị quên lãng
Nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Cù Lệ Duyên cho chúng tôi biết, dù 10 năm đã qua nhưng Bài hát Việt vẫn không được xem như một sân chơi chuyên nghiệp: “Người tham gia Bài hát Việt, chuyên nghiệp cũng có mà nghiệp dư cũng có, chương trình phục vụ nhu cầu của khán giả thì rất tốt rồi, nhưng chất lượng nghệ thuật vẫn còn lúc này lúc khác” - nhà nghiên cứu Cù Lệ Duyên nói.
Lễ trao giải
Không ít sinh viên nhạc viện chính quy tham gia và thành công tại Bài hát Việt, như chàng sinh viên Tạ Quang Thắng, với ca khúc “Lá cờ” (ca khúc nhận liền 3 giải thưởng lớn là: “Bài hát mang phong cách rock đương đại nổi bật”, “Thể nghiệm hiệu quả”, giải thưởng của “Hội Nhạc sĩ Việt Nam”) hay Lê Cát Trọng Lý với bài “Chênh vênh” (Bài hát của năm, 2008). Nhưng theo bà Cù Lệ Duyên: “Chỉ những giải thưởng như giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam mới được tính vào trong hồ sơ thành tích của sinh viên tại nhạc viện, còn giải Bài hát Việt thì không được tính”.
Một điều, không mới nhưng luôn lay động, đó là không ít giải thưởng của Hội Nhạc sĩ và các cơ quan chuyên ngành về âm nhạc dần chìm trong lãng quên, trong khi đó Bài hát Việt lại thổi vào đời sống âm nhạc những giai điệu sống động.
Khi Lê Cát Trọng Lý là sinh viên mới vào trường Nhạc viện TPHCM, chúng tôi còn nhớ gặp và nghe cô hát ở quán cà phê nhỏ gần Hồ Con Rùa, bữa đó còn có nhà sư Nguyễn Đức Vân. Thậm chí nhà sư còn “nổi tiếng hơn” khi đã in một CD những bài hát của mình. Sự đời xoay chuyển, sau khi được giải với ca khúc “Chênh vênh”, nữ nhạc sĩ trẻ Lê Cát Trọng Lý đã liên tục đi diễn các tua xuyên Việt như một ngôi sao lớn và hình ảnh những nữ nhạc sĩ kiêm ca sĩ cũng rất đặc trưng cho Bài hát Việt chẳng khác gì một biểu trưng của thời đại nữ quyền lên ngôi với: Lưu Thiên Hương (Quạt giấy, Guốc mộc), Vũ Cát Tường (Yêu xa). Mai Khôi, một ca sĩ kiêm nhạc sĩ vào nghề khá lâu và nội lực của cô được khẳng định, nhưng cũng bật khóc khi nhận giải Bài hát của năm 2010 cho ca khúc “Việt Nam”.
Có đủ sức tung cánh khỏi làng quê Việt?
Trong đêm Gala kỷ niệm 10 năm phát sóng chương trình, nhạc sĩ Đức Trí thay mặt hội đồng thẩm định nói rằng khái niệm “Bài hát Việt” cũng chính là khái niệm “Âm nhạc dân gian đương đại”. Theo đánh giá của nhạc sĩ An Thuyên, chất liệu dân gian ngày càng được sử dụng nhiều hơn và hiệu quả hơn trong Bài hát Việt.
Bài hát Việt cho ra lò hàng loạt sản phẩm “Made in Bài hát Việt” với chất liệu dân gian đậm đặc kết hợp với việc phối khí tạo hình, tạo không gian rất hiệu quả, như “Bà tôi” (Nguyễn Vĩnh Tiến), “Con cò” (Lưu Hà An), “Guốc mộc” (Lưu Thiên Hương). Tuy vậy, người ta cũng băn khoăn rằng trong thời đại mở cửa, toàn cầu hóa và âm nhạc ngày càng được quốc tế hóa mạnh mẽ, liệu “âm nhạc dân gian đương đại” mà nhạc sĩ Quốc Trung trong Hội đồng nghệ thuật rất tâm huyết, có đủ sức tung cánh bay khỏi làng quê Việt Nam hay không? Nói cách khác, một khán giả ngoại quốc cảm nhận thế nào về ca khúc nói về con cò, khi họ không bao giờ trồng lúa?
Khái niệm “Âm nhạc dân gian đương đại” không phổ biến lắm trong giới sáng tác ở phía Nam, nhưng điều đó không có nghĩa các tác giả trẻ không đưa vào tác phẩm của họ những gì Việt Nam. Tôi đã xem tác giả Hà Okio biểu diễn tác phẩm “Sài Gòn cà phê sữa đá” trước khán giả là những người sáng tác và làm nghệ thuật nước ngoài tại Nhà hát Lớn thành phố và họ rất hứng thú với tác phẩm này, nhất là khi chúng được minh họa bằng hình ảnh quán cà phê cóc rất điển hình ở Sài Gòn và Hà Nội.
Giải thưởng Bài hát Việt năm nay thuộc về một tác giả Sài Gòn là Phạm Toàn Thắng với ca khúc “Bốn chữ lắm”. Nhạc sĩ trẻ này cho biết, sáng tác ca khúc dựa trên nguồn cảm hứng về nàng Tô Thị để miêu tả sự chờ đợi hạnh phúc. Tuy vậy, khác với cái kết buồn thảm của truyện xưa, các nhân vật trong ca khúc “Bốn chữ lắm” đã tìm thấy những khoảnh khắc hạnh phúc của họ với tiết tấu sôi động và vui vẻ. Điều này khiến một vài khán giả than rằng, Thắng đã “phá hỏng chuyện nàng Tô Thị”, nhưng sáng tác hiện đại có phải bắt buộc minh họa cho tác phẩm dân gian hay không?
Hồ Quang Hưng (từng đệm đàn cho Tina Tình gửi bài tham dự Bài hát Việt) là một nghệ sĩ nhạc rock ở Sài Gòn nói: “Bát hát Việt là sân chơi duy nhất hiện nay dành cho các nhạc sĩ trẻ và là cơ hội để người ta biết đến các nghệ sĩ, các ban nhạc trẻ”. Rất nhiều nghệ sĩ rock tham gia sân này. Hưng cho biết, quãng thời gian một thập kỷ đương nhiên là thách thức về mặt chất lượng nghệ thuật, nhưng: “Để một chương trình sáng tác mới tồn tại được 10 năm trên sóng truyền hình là điều không đơn giản, chứng tỏ chương trình rất thành công và chất lượng”.
Bài hát Việt không chỉ là “sân chơi” mà chúng đã để lại nhiều ca khúc đáng nhớ, tạo dựng một thế hệ những người sáng tác từ những trải nghiệm cá nhân hơn là những bằng cấp và những chứng chỉ trường quy. Song, số lượng giải thưởng mà chương trình phát ra trong tháng, trong năm cũng là một thứ áp lực không nhỏ đối với những người vừa chập chững vào nghề. Tuy nhiên, nếu không có những giải thưởng như Bài hát Việt, những người sáng tác chưa, thậm chí không nằm trong Hội Nhạc sĩ, sẽ mãi chìm trong quên lãng…