Bài cuối: Tiết kiệm điện: Cần những đòn bẩy hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, các quy định cũng như giải pháp tiết kiệm điện đã được đặt ra, song làm thế nào để các giải pháp đạt hiệu quả thì rất cần những đòn bẩy đủ mạnh thông qua việc Luật hoá các quy định để việc thực thi được hiệu quả.

Số liệu khảo sát của Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 cho thấy, ngành công nghiệp chiếm khoảng 50% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc, ước tính lượng phát thải từ ngành năng lượng chiếm tới 73%.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp tại Việt Nam được đánh giá là rất lớn, vào khoảng từ 20% - 30% tổng năng lượng tiêu thụ. Điều này đồng nghĩa Việt Nam có thể tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư mỗi năm cho phát triển nguồn điện chỉ bằng việc áp dụng và thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất thông qua tăng cường kỹ năng quản trị, chuyển đổi sản xuất.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN khẳng định, những năm qua, EVN xác định là đơn vị đi đầu trong các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm trong xã hội; đóng vai trò là tập đoàn tiên phong, chủ động trong thực hiện các chính sách, quy định của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung và sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm nói riêng.

Thực tế, khi Bộ Công thương phát động tiết kiệm điện, EVN thống kê từ ngày 17/5-16/6, cả nước tiết kiệm được hơn 226 triệu kWh (chỉ tính riêng nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm). Sản lượng điện tiết kiệm này đã góp phần tích cực trong đảm bảo cân bằng cung - cầu điện.

Theo đánh giá của các chuyên gia, từ năm 2011 đến nay, chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp Việt Nam vẫn ở mức khoảng 400 TOE mới tạo 1.000 USD/GDP. Con số này cao hơn 30% so với Thái Lan, 60% so với Malaysia và gấp 4-5 lần các nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, hệ số đàn hồi điện của Việt Nam vẫn đang ở mức 1,3-1,4 lần, chứng tỏ việc sử dụng năng lượng còn lãng phí.

Bài cuối: Tiết kiệm điện: Cần những đòn bẩy hiệu quả ảnh 1

Theo các chuyên gia, cần chế tài đủ mạnh để thúc đẩy việc tiết kiệm điện

Ông Trần Viết Nguyên, Phó Trưởng ban Kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho rằng, thực tế các doanh nghiệp có nhận thức, hiểu vấn đề tiết kiệm điện rất quan trọng trong quá trình hoạt động, sản xuất nhưng lại chưa thực thi tốt và đầy đủ các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo quy định, khoảng 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (tiêu thụ hàng năm khoảng trên 34,3 triệu TOE, chiếm hơn 51% tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của cả nước), phải xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng…

Tuy nhiên, báo cáo của EVN cho thấy, năm 2021, chỉ có 30-40% cơ sở duy trì hệ thống quản lý năng lượng; 91 cơ sở kiểm toán năng lượng.

Theo ông Nguyên, nguyên nhân việc thực hiện hạn chế là do thiếu sự rằng buộc về trách nhiệm, bởi các chế tài xử phạt dù có, nhưng vẫn chưa áp dụng, khiến cho việc thực hiện chưa được gắn liền vào thực tiễn.

Cần những biện pháp mạnh mẽ

Theo các chuyên gia, đã đến lúc các cơ quan quản lý phải mạnh tay trong việc hướng doanh nghiệp sử dụng năng lượng hiệu quả và thông minh hơn, bền vững hơn. Đặc biệt, các ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng nhiều như xi măng, sắt thép,… cần phải áp dụng triệt để các giải pháp tiết kiệm năng lượng để cắt giảm chi phí sản xuất, giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống.

Cùng với đó, Nhà nước phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn để doanh nghiệp và cả người dân tuân thủ, thực hiện tiết kiệm năng lượng; đồng thời có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi hoặc thưởng cho doanh nghiệp đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt phải có cơ chế tài chính trong nước rõ ràng để huy động và khơi thông các nguồn vốn ưu đãi, giúp doanh nghiệp tiếp cận để đầu tư các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, xét về chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng, hiện Việt Nam đang tiêu thụ khoảng 400 kg dầu quy đổi để tạo ra 1.000 USD GDP. Con số này cao hơn Thái Lan khoảng 30%, hơn Malaisia khoảng 60%...Điều này cho thấy, sử dụng năng lượng tại Việt Nam chưa hiệu quả.

Theo ông Vũ, thực tế hệ số đàn hồi còn cao có nhiều nguyên nhân, trong cả thời gian dài, doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì sử dụng hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất công nghệ cũ, tiêu hao nhiều năng lượng, đặc biệt trong các ngành công nghiệp nặng như xi măng, sắt thép…;Ý thức sử dụng năng lượng điện tiết kiệm hiệu quả của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế…không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên, giảm sự cạnh tranh của nền kinh tế mà còn gây ô nhiễm môi trường.

Ông Trịnh Quốc Vũ cho rằng, hành lang pháp lý về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đặc biệt là điện đã khá đầy đủ và rõ ràng. Vấn đề còn lại là khâu thực thi và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng. Thời gian tới, Việt Nam phải lồng ghép mục tiêu tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào trong kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế...Cụ thể, không nhập khẩu những công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng vào Việt Nam. Và quan trọng hơn, cần sự vào cuộc của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

“Đi kèm với đó là các cơ chế khuyến khích, khen thưởng, tuyên truyền vận động, xây dựng và tổ chức xây dựng, thực hiện các quy định, quy tắc về sử dụng điện, mua sắm thiết bị, máy móc tại các cơ quan, công sở, cơ sở sản xuất kinh doanh, cũng như các giải pháp về kỹ thuật khác”, đại diện Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững đề xuất.

Theo đại diện Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), để đạt mục tiêu tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ quốc gia mỗi năm, trước hết cần giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6,5% trong giai đoạn 2020-2025.

Ngoài ra, cần xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng phải đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 2,0% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2020 - 2025. Triển khai các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng chuẩn bị đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp... Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, nông, lâm, ngư nghiệp tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ của lĩnh vực. Riêng lĩnh vực dân dụng tiết kiệm tối thiểu 2,5% tổng điện năng tiêu thụ.

MỚI - NÓNG