Tổng số từ của bài viết là hơn 35.000 của một tác giả nặc danh, trong đó anh ta kêu ca về chế độ kỹ thuật - công nghiệp của Mỹ và khao khát phá hủy nó thông qua một cuộc cách mạng. Tác giả của “bản tuyên ngôn tự xưng” là một tên tội phạm bí ẩn mà báo chí gọi là Unabomber.
Trong suốt 17 năm trời, tên khủng bố nặc danh này đã gửi và gài 16 bưu kiện chứa chất nổ, giết chết 3 người và làm bị thương 23 người. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã săn lùng trong một thời gian dài, nhưng tất cả những gì họ có thể tìm thấy chỉ là vài mảnh bom, một phác thảo chân dung mơ hồ cùng một mớ giả thiết về danh tính, động cơ và nơi ở của hắn.
Vụ Unabomber kết thúc vào tháng 4/1996 khi FBI đột kích một cabin xập xệ ở Montana và bắt giữ một người tên là Theodore Kaczynsky. Vụ việc đã chấm dứt chiến dịch khủng bố của Unabomber. Tuy nhiên, cái kết này là nhờ "bài báo" dài 8 trang đăng trên The Washington Post cách đó 7 tháng.
Các gói bưu kiện mà Unabomber gửi cho tòa soạn báo The Washington Post và New York Times vào tháng 6/1995 trông không có gì khác lạ. Gói đầu tiên đề địa chỉ người nhận là Phó Tổng biên tập Warren Hoge của tờ New York Times. Bưu kiện thứ hai được gửi cho Phó Tổng biên tập Michael Getler của tờ The Washington Post. Riêng gói gửi cho ông Getler có địa chỉ người gửi là: Boon Long Hoe, 3609 Reinoso Ct., San Jose, Calif. 95136. Cả hai gói bưu kiện có 56 trang đánh máy với tiêu đề là "Xã hội công nghiệp và tương lai".
Tác giả tự gọi mình là "Câu lạc bộ tự do". Người gửi đưa ra một lựa chọn khó xử cho hai tòa soạn báo: Nếu họ đăng tài liệu của anh ta, anh ta sẽ ngừng làm hại mọi người. Nếu họ từ chối đăng, anh ta cho biết sẽ "bắt đầu làm một quả bom tiếp theo".
Trong vòng vài ngày, FBI đã xác định được tên cũng như địa chỉ người gửi trên bưu kiện là giả và nhận định các bưu kiện nhiều khả năng là tác phẩm của Unabomber - kẻ đánh bom (bomber) trường đại học (university) và hãng hàng không (airline) nên được FBI đặt cho biệt danh "UNABOMBER". FBI cho rằng lời đe dọa giết người tiếp theo của Unabomber là thật.
Chủ báo The Washington Post Donald E. Graham nhanh chóng nhất trí phối hợp hành động với chủ báo tờ New York Times là Arthur Sulzberger Jr. Họ đã gặp Giám đốc FBI là ông Louis J. Freeh và các thành viên trong đội đặc nhiệm UNABOM của FBI. Họ gặp nhau 3 lần vào mùa hè năm đó và 2 cuộc gặp sau có sự tham gia của Bộ trưởng Tư pháp Janet Reno. Ông Graham đã nói với FBI: "Chúng tôi muốn nghe khuyến nghị của các ông. Chúng tôi hoàn toàn không phải là chuyên gia về an ninh và chúng tôi muốn biết nên làm điều gì là tốt nhất. Chúng tôi sẽ quyết định việc phải làm và thông báo với các ông".
Giám đốc FBI Freeh và Bộ trưởng Tư pháp Reno ủng hộ đăng tài liệu, cho rằng điều này có thể giúp cứu mạng con người. Họ đề xuất đăng dưới dạng sách nhỏ. Ý kiến này bị hai tờ báo phản đối vì phát hành rộng rãi sẽ rất khó. Phía The Washington Post đề xuất: Sau khi báo đăng bản "tuyên ngôn", FBI sẽ theo dõi các tờ báo được gửi về miền nam California - nơi mà người ta cho rằng Unabomber đang giấu mình. Sau đó, họ sẽ thẩm vấn bất kỳ người nào mua tờ báo mà có ngoại hình khớp với Unabomber.
FBI đồng ý với đề xuất đó bởi khi đăng mớ tài liệu của Unabomber, họ hy vọng mong manh rằng có ai đó sẽ nhận ra tác giả của nó.
Sau cuộc gặp thứ ba họ nhất trí rằng đăng tài liệu là lựa chọn tốt nhất, hay ít nhất cũng là lựa chọn phù hợp nhất. Ông Graham cho biết báo của ông tình nguyện đăng và sẽ đăng riêng thành một mục, tách biệt với các trang khác. Kiểu chữ cho phần này cũng đặc biệt. Ông Sulzberger, chủ báo New York Times, đồng ý trả một nửa chi phí in (khoảng 15.000 USD). Báo này sau đó đã không in tài liệu của Unabomber.
Sự xuất hiện của bản "tuyên ngôn" lạ lùng trong số báo ra ngày 19/9 của The Washington Post đã làm dấy lên một số ý kiến chỉ trích từ giới báo chí, cho rằng tiền lệ này sẽ khiến nhiều tên tội phạm bắt chước để được nổi tiếng phút chốc trên báo. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý ở đây là Unabomber không giống những tên tội phạm khác. Hắn đã có lịch sử 17 năm bạo lực và một khi hắn đã dọa thì chắc chắn sẽ có một quả bom nữa.
Về phản ứng của độc giả, người ngoài khu vực Washington liên tục gọi điện về tòa soạn báo nhưng không phải để phàn nàn mà là để cho biết họ muốn báo in thêm và muốn mua thêm để làm lưu niệm. Báo The Washington Post lúc đó cho biết họ không còn thừa bản nào.
Bản sao bộ tài liệu Unabomber gửi cho The Washington Post.
Sử gia Mỹ về ngành truyền thông, giáo sư W. Joseph Campbell viết về vụ Unabomber trong cuốn sách mới của ông: Điểm khác biệt lớn giữa thời đó và bây giờ là một tên khủng bố sẽ không cần đến báo in để tuyên truyền tư tưởng của hắn. Như nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, Internet chính là nơi chúng xuất bản tư tưởng. Thời này, một tài liệu kiểu như của Unabomber sẽ nhanh chóng lên mạng, thay vì phải ra điều kiện mới được đăng trên báo như thời đó.
Vài tuần sau khi bản "tuyên ngôn" lên mặt báo, có một người ở New York bắt đầu cảm thấy bất an. Đó là David Kaczynski, anh đã đọc và chợt nhớ về những lá thư mà anh và gia đình nhận từ anh trai là Ted Kaczynski. Anh trai của David là một nhà toán học tài năng nhưng lại không theo đuổi sự nghiệp mà dọn đến Montana năm 1971 để sống đơn độc.
David bắt đầu nghi ngờ: Liệu người anh trai xa cách lâu nay có phải là tên giết người hàng loạt? Và liệu mình có nên giao nộp anh trai cho cảnh sát? Sau khi bàn với vợ, David đã tham vấn ý kiến luật sư nổi tiếng Terry Lenzner ở Washington. Ông Lenzner đã liên hệ với chuyên gia tội phạm Clint Van Zandt. Ông này đã so sánh tài liệu đăng trên báo với thư từ của Ted gửi cho David. Ông kết luận rất nhiều khả năng tác giả là một người.
Sau đó, David đã tham vấn luật sư Anthony P. Bisceglie, ở Washington. Ông này đã liên lạc với FBI. Kết quả, Ted Kazynki, 53 tuổi đã bị bắt ngày 3/4/1996. Hắn bị xét xử tại Tòa án liên bang Sacramento năm 1998 và nhận 8 án tù chung thân. Hiện Ted đang thụ án tại nhà tù siêu an ninh ở Colorado.
Vụ Unabomber khép lại và tờ The Washington Post tự hào: "Chúng tôi đã phá được vụ án. FBI thì không".