Dù trong 33 nhà khoa học này không có sự hiện diện của bất cứ nhà động vật học nào, nhưng họ vẫn tự tin khẳng định rằng, bạch tuộc là sinh vật đến từ ngoài hành tinh. Bởi vì, bộ gen của loài động vật này có độ phức tạp đến kinh ngạc khi được mã hóa bởi 33.000 protein, nhiều hơn cả loài người.
Đồng thời, nhóm nhà khoa học này cũng khẳng định, bạch tuộc và mực ngày nay được tiến hóa từ một sinh vật cổ đại mà nguồn gốc của chúng là từ một loại vi khuẩn ngoài hành tinh được đưa đến Trái Đất sau vụ nổ Cambrian cách đây hơn 500 triệu năm.
“Bạc tuộc có bộ gen đa dạng đến mức đáng kinh ngạc. Chúng sở hữu bộ não lớn, hệ thần kinh cực kỳ phức tạp và có một cơ thể kỳ lạ có khả năng thay đổi màu sắc tới mức chóng mặt để ngụy trang vào môi trường xung quanh. Điều đó cho thấy chúng được tiến hóa theo một quy trình không hề bình thường. Nhiều khả năng trứng mực và trứng bạch tuộc được đóng băng trên sao chổi đã rơi xuống đại dương trên Trái Đất vài trăm triệu năm trước.” – trích từ cuốn sách vừa được công bố.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng khẳng định đây là giả thuyết và việc chứng minh bạch tuộc là sinh vật đến từ ngoài hành tinh vẫn cần thêm nhiều bằng chứng xác thực khác. Bởi vì, sự sống trên Trái Đất đã kéo dài hàng tỷ năm và có nhiều dạng đột biến phức tạp mà con người chưa thể nghiên cứu được.
Thế nhưng, cũng phải thừa nhận rằng, giả thuyết này có tính thú vị rất cao và nó thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người, nhất là những người yêu quý động vật hoang dã. Đồng thời, họ cũng khẳng định bạch tuộc là một trong những sinh vật kỳ lạ nhất trên Trái Đất mà con người từng biết đến.