Bạc thau – thanh nhiệt, giải độc, cầm máu

Bạc thau – thanh nhiệt, giải độc, cầm máu
TPO - Quanh chỗ tôi ở có loại cây thuốc lá mặt trên xanh thẫm, mặt dưới trắng như bạc, gọi là "bạc thau". Tìm hiểu qua sách báo, thấy nói, cây này có tác dụng chống nắng và giải độc.

Xin cho biết, cây bạc thau có thể chữa những bệnh gì? Cách sử dụng cụ thể?

(Nguyễn Hiển Vinh, Văn Chấn, Yên Bái).

Đáp:

Thứ cây bạn quan tâm còn có nhiều tên khác như "bạc sau", "thau bạc", "mô bạc", "lú lớn", "thảo bạo" (miền Nam), "chấp miên đằng" (Tuệ Tĩnh). Tên khoa học là Argyreia acuta Lour. , thuộc họ Bìm bìm (Convolvulaceae). Lá và cành có thể hái quanh năm để dùng làm thuốc; có thể dùng tươi hay phơi khô dùng dần.

Bạc thau – thanh nhiệt, giải độc, cầm máu ảnh 1

Bạc thau là một loại dây leo, thân có nhiều lông áp vào thân, màu trắng nhạt. Lá mọc so le, hình bầu dục, phía cuống hơi có hình tim, đầu nhọn, mặt trên nhẵn và xanh thẫm, mặt dưới phủ lông ngắn, mịn, bóng ánh như bạc - do đó có tên "bạc sau" (mặt sau như bạc), lâu ngày đọc chệch thành "bạc thau"; Hoa màu trắng, bên trong cũng có lông mịn, mọc thành xim ở kẽ lá hay đầu cành. Quả mọng hình cầu, khi chín có màu đỏ, trong có 2-4 hạt hình trứng màu nâu đen.

Theo Đông y, bạc thau có vị đắng, cay, hơi chua; tính mát. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, thư cân hoạt lạc, khu phong trừ thấp, điều kinh, chỉ huyết (cầm máu), nhuận phế, tiêu đờm, chỉ khái (làm hết ho).

Bạc thau có thể sử dụng chữa trị một số chứng bệnh thường gặp:

- Viêm khí quản cấp tính và mạn tính: Lá bạc thau 15g khô, sắc với nước, chia 3 lần uống trong ngày.

- Chữa ho ở trẻ em: Lá bạc thau, lá chua me, lá xương sông - mỗi thứ 6-12g, gĩa vắt lấy nước cốt cho uống dần.

- Chữa phụ nữ bị rong huyết: Dùng lá bạc thau gĩa nhỏ, chế nước nguội, vắt nước cốt uống, bã đắp lên đỉnh đầu.

- Chữa bạch đới: Lá bạc thau, lá bấn (bạch đồng nữ) - mỗi vị 30g tươi, giã vắt lấy nước cốt uống; hoặc dùng mỗi thứ 12g khô, sắc nước uống.

"Bạch đới" (còn gọi là "khí hư", "khí hư bạch đới", huyết trắng) chỉ chất dịch dính nhớt, dài như sợi tơ, tiết ra từ âm đạo phụ nữ. Bình thường, âm đạo phụ nữ trưởng thành thường tiết ra một ít chất dịch này, phần nhiều không màu, không tanh hôi. Bạch đới tiết ra qúa nhiều là trạng thái bệnh lý; thường liên quan đến các chứng viêm bộ phận sinh dục; theo Đông y, nguyên nhân thường do tỳ hư, can uất, hoặc cảm nhiễm ngoại tà gây nên.

- Chấn thương đau đớn do bị ngã, bị đòn: Dùng lá bạch thau 30g, sắc với nước, hòa thêm rượu vào uống.

- Nhọt độc, chân lở loét: Lá bạch thau, bồ công anh, kim ngân - mỗi thứ một nắm; sắc lấy nước đặc để rửa vết thương; có tác dụng tiêu viêm, chống loét, trừ độc.

Lương y Hư Đan - Lương y Huyên Thảo
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG