> Đình chỉ hoạt động phòng khám có bệnh nhân tử vong
Chỉ đăng ký 2 bác sĩ Trung Quốc đứng tên ở Phòng khám y học Trung Quốc tại 141 Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận nhưng khi kiểm tra phòng khám này vào giữa tháng 6 vừa qua, thanh tra Sở Y tế TPHCM phát hiện có đến 3-4 “bác sĩ” Trung Quốc hoạt động tại đây.
Sau khi 3 “bác sĩ” cởi áo blouse và tháo chạy lúc đoàn kiểm tra đến, tại phòng khám này còn một “bác sĩ” Trung Quốc khác làm nhiệm vụ bốc thuốc, khám bệnh nhưng người này lại không có tên trong danh sách đăng ký hành nghề.
Hai nhân viên tiếp nhận bệnh và kế toán cũng được “đôn” lên làm công việc như một y tá, điều dưỡng khi thực hiện thay băng, truyền dịch cho bệnh nhân.
Bác sĩ “chui” tháo chạy, phòng khám bị rút giấy phép hoạt động 12 tháng khiến nhiều bệnh nhân đang được điều trị tại đây khóc dở, mếu dở.
Theo bệnh nhân Nguyễn Văn M., 43 tuổi ở tỉnh An Giang, trước khi phòng khám này bị kiểm tra, anh nộp 10 triệu đồng điều trị bệnh trĩ ở đây, tuy nhiên, khi sự việc vỡ lở, bác sĩ Trung Quốc cuốn gói về nước nên tiền không đòi lại được.
Bệnh nhân Võ Văn T., 28 tuổi ở TPHCM cũng phải nộp gần 15 triệu đồng sau khi cắt trĩ. Thế nhưng, liệu trình điều trị chưa hết thì “bác sĩ” Trung Quốc bỏ của chạy lấy người. Tiền mất mà bệnh vẫn chưa dứt.
Tại phòng khám đa khoa Đầm Sen (đường Hòa Bình, quận 11), khi ngành chức năng vào kiểm tra, các bác sĩ Trung Quốc tháo chạy tán loạn. Kiểm tra tên trên thẻ của 2 bác sĩ tháo chạy đánh rơi, đoàn thanh tra phát hiện họ là bác sĩ “chui” vì không đăng ký khám bệnh tại phòng khám.
10/12 phòng khám y học cổ truyền có yếu tố người nước ngoài tại TPHCM đều sai phạm tương tự khi sử dụng người không có giấy phép hành nghề. Một bác sĩ ở phòng thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, rất khó xử lý dạng “bác sĩ” chui này.
Bởi khi bị phát hiện, họ đều mất dạng, không để lại tên tuổi, lý lịch rõ ràng nên thanh tra cũng bó tay.
“Nhiều người mang bảng tên bằng chữ Trung Quốc khám bệnh, chủ yếu để “làm le” với người bệnh cả tin, để khoe với người bệnh mình là bác sĩ từ Trung Quốc sang. Nhưng thực tế họ làm gì, chuyên môn như thế nào thì không ai được rõ”- vị này nói.
Bác sĩ Lê Minh Hải - Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân, Sở Y tế TPHCM cho biết, đến nay chỉ có 11 y, bác sĩ Trung Quốc được cấp chứng chỉ hành nghề tại các phòng khám có yếu tố nước ngoài ở TPHCM.
Theo Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho rằng, đến hết tháng 6-2012, cả nước có 41 thầy thuốc trung y Trung Quốc đang hành nghề tại 16 tỉnh, thành, trong đó TP HCM có 11 người hành nghề ở 7 cơ sở.
Đại diện Sở Y tế TPHCM, cho rằng đơn vị cấp giấy phép lao động cho bác sĩ người Trung Quốc làm việc ở TPHCM là Sở Lao động- Thương binh và Xã hội. Trong khi đó cấp giấy phép hành nghề y lại do Sở Y tế và Bộ Y tế thực hiện.
Tuy nhiên theo điều tra của chúng tôi, có những lao động chỉ được cấp phép với chức năng là “lương dược” làm tại phòng thuốc của phòng khám nhưng thực tế họ sẵn sàng làm “bác sĩ”, thậm chí còn chỉ định điều trị cho người bệnh.
Điển hình là tại phòng khám đông y Trung Quốc ở 141 Phan Đăng Lưu, nhân viên lương dược Ôn Thuận còn kiêm luôn việc khám bệnh.