Bác sĩ 2 quốc gia phối hợp cứu bệnh nhân 'thập tử nhất sinh'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 8/4, TS.BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa S.I.S Cần Thơ cho biết, tại đây vừa hội chẩn cùng các bác sĩ Campuchia và kịp thời tiếp nhận, cứu sống một bệnh nhân của nước bạn bị đột quỵ rất nặng, đã quá thời gian vàng nhiều ngày.

Đó là trường hợp nữ bệnh nhân 68 tuổi quốc tịch Campuchia, sống tại thành phố Phnom Penh. Bệnh nhân bị tắc động mạch thân nền trên nền bệnh lý rung nhĩ, nhịp tim không đều dẫn tới hình thành cục máu đông.

Theo bệnh sử, trước đó người bệnh được chuyển đến cấp cứu, điều trị tại bệnh viện của nước bạn trong tình trạng liệt tứ chi, mất ngôn ngữ hoàn toàn. Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc động mạch thân nền. Đây là động mạch quan trọng nhất trong hệ thống mạch máu não. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong.

Bác sĩ 2 quốc gia phối hợp cứu bệnh nhân 'thập tử nhất sinh' ảnh 1

TS.BS Trần Chí Cường thăm khám cho bệnh nhân sau can thiệp đột quỵ

Sau khi đột quỵ, bệnh nhân được điều trị tại Phnom Penh 3 ngày. Các bác sĩ nhận thấy, người bệnh dù đã bị liệt tứ chi hoàn toàn nhưng còn dấu hiệu mở được mắt. Các bác sĩ của nước bạn đã liên hệ, hội chẩn cùng TS.BS Trần Chí Cường. Sau hội chẩn, bệnh nhân được chỉ định chuyển sang Việt Nam, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa S.I.S.

Sau 10 giờ di chuyển từ Campuchia, bệnh nhân đến Bệnh viện S.I.S. “Qua chẩn đoán hình ảnh, chúng tôi phát hiện người bệnh bị nhồi máu não do tắc hoàn toàn động mạch thân nền, trên nền bệnh có rung nhĩ, rối loạn nhịp tim. Tình trạng đột quỵ rất nặng, đã quá thời gian vàng (6 giờ đầu sau đột quỵ) nhiều ngày khiến người bệnh chỉ còn vài phần trăm cơ hội phục hồi trở lại. Còn nước còn tát, gia đình cùng bệnh viện đã nỗ lực cứu chữa với hi vọng phép màu sẽ đến với bệnh nhân” – TS.BS Trần Chí Cường nói.

Sau 30 phút khẩn trương can thiệp, ê kíp bác sĩ đã thực hiện phương pháp nong, kéo được cục máu đông ra ngoài, tái thông thành công mạch máu. Kết quả kiểm tra hình ảnh sau can thiệp cho thấy, động mạch thân nền của người bệnh đã được tái thông hoàn toàn. Sau can thiệp, bệnh nhân đã cử động được nửa người bên trái. Các bác sĩ đang tiếp tục điều trị để phục hồi chức năng cho người bệnh.

Qua trường hợp trên, TS.BS Trần Chí Cường khuyến cáo, thời gian vàng trong cấp cứu, điều trị đột quỵ là 6 giờ đầu (sau đột quỵ). Nếu quá thời gian vàng càng lâu thì nguy cơ tử vong, tàn phế càng cao.

Do đó, khi có các biểu hiện méo mặt, yếu liệt tay chân, nói khó, chóng mặt thường xuyên… người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Tình trạng chóng mặt ở người lớn tuổi thường được chẩn đoán là bệnh lý rối loạn tiền đình. Những bệnh nhân được điều trị theo phác đồ rối loạn tiền đình nhưng không hiệu quả cần nghĩ ngay tới tình trạng thiếu máu của hệ tuần hoàn sau liên quan đến động mạch thân nền.

MỚI - NÓNG