Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) toàn cầu có hơn 1 tỷ người đang mắc bệnh béo phì. Tình trạng này đang tăng nhanh, nếu không có những giải pháp ngăn ngừa hiệu quả, dự báo đến năm 2035, thế giới sẽ có khoảng 1,9 tỷ người phải sống chung với bệnh béo phì. Béo phì sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy về sức khỏe, chất lượng sống, cũng như những áp lực đối với hệ thống y tế.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói: “Tại Việt Nam, theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây nhiễm liên quan đến thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh. Cụ thể, tỷ lệ béo phì ở Việt Nam tăng gấp hơn 2 lần trong 10 năm qua, từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020”.
Khoảng 50% trẻ em trong độ tuổi học đường tại TPHCM bị thừa cân, béo phì |
Ông nhấn mạnh: “Ở các đô thị lớn, tỷ lệ thừa cân béo phì nhóm trẻ em học đường rất cao. Tại TPHCM độ tuổi học đường bị béo phì chiếm trên 50%, tại Hà Nội trên 41%. Người bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh mạn tính cao gấp 5 lần những người có chỉ số cơ thể chuẩn”.
Trước tình hình trên Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu, mọi người dân đều có quyền tiếp cận công bằng, hợp lý với dinh dưỡng và thực phẩm. Đây là giải pháp giúp cộng đồng đạt được tình trạng dinh dưỡng tối ưu, góp phần nâng cao sức khỏe, giảm nguy cơ bệnh tật.
Các bác sĩ tư vấn giải pháp dinh dưỡng hợp lý, khoa học cho người dân trong chương trình Ngày dinh dưỡng cộng đồng Việt Nam |
Bộ Y tế kêu gọi người dân cần thực hiện dinh dưỡng khoa học và vận động hợp lý. Việc tập luyện thể lực của mỗi người có thể thực hiện vào buổi sáng, giờ nghỉ, hay buổi tối và cần duy trì tập luyện mỗi ngày. Mỗi người có thể chạy bộ, đi bộ, tập yoga hay bất cứ môn vận động nào theo sở thích và điều kiện, hoàn cảnh. Duy trì chế độ tập luyện đều đặn sẽ giúp cơ thể mỗi người có chuyển biến tích cực.
Ngày 7/4 hàng năm được WHO chọn là ngày Sức khỏe Thế giới. Năm nay, chủ đề được lựa chọn là “Sức khỏe của tôi, quyền của tôi”. Với khẩu hiệu ấy, cả thế giới hướng đến mục tiêu bảo vệ quyền của mọi người ở mọi nơi được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và thông tin có chất lượng, cũng như nước uống an toàn, không khí sạch, dinh dưỡng tốt, nhà ở chất lượng.