Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 15/7 nói rằng, nhiều nước, trong đó có cả một số thành viên ASEAN, ủng hộ lập trường của nước này về vụ Philippines kiện Trung Quốc, về phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế. Hơn 70 nước và tổ chức quốc tế ủng hộ lập trường của Trung Quốc, cao hơn con số ủng hộ chính quyền Philippines và Mỹ - kẻ xúi giục chính đứng đằng sau vụ kiện, Xinhua đưa tin.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) tại Mông Cổ, Thủ tướng Campuchia Hun Sen nói với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rằng, Campuchia sẽ ủng hộ một “quan điểm công bằng và khách quan” về vấn đề biển Đông và làm việc để duy trì quan hệ hữu nghị ASEAN-Trung Quốc. Trong khi đó, Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhonn trả lời phỏng vấn Reuters: “Chúng tôi không liên quan vụ kiện và chỉ muốn duy trì chính sách trung lập”.
Trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết cuối cùng hôm 12/7, Trung Quốc liệt kê 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Campuchia, ủng hộ lập trường của nước này về thẩm quyền của Tòa. Tuy nhiên, sau đó, Campuchia, Fiji, Ba Lan và Slovenia lên tiếng phủ nhận tuyên bố “vơ vào” của Trung Quốc. Bốn nước này tuyên bố họ không ủng hộ lập trường của Trung Quốc.
Theo thông tin đăng tải trên website Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington D.C, chỉ có 10 nước công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc rằng Tòa Trọng tài là không hợp pháp, chủ yếu là những nước ở châu Phi, không có biển, như Lesotho, Sudan, Togo, Gambia..., không có quyền lợi trực tiếp trong sự an toàn, an ninh ở biển Đông. Trong khi đó, có tới 40 nước, vùng lãnh thổ công khai ủng hộ phán quyết của Tòa là có tính ràng buộc pháp lý.
AMTI tuyên bố: “Từ khi phán quyết được đưa ra (ngày 12/7), chúng tôi xác định có 34 nước công khai kêu gọi tôn trọng phán quyết, 4 nước công nhận phán quyết nhưng không kêu gọi tuân thủ và chỉ có 3 quốc gia và vùng lãnh thổ phản đối phán quyết”. Ba quốc gia và vùng lãnh thổ đó là Trung Quốc, Đài Loan và Pakistan.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Carlyle Thayer (Học viện Quốc phòng Úc), nhận xét: “Trung Quốc đã nhét chữ vào miệng nhiều nước” để tăng con số ảo ủng hộ họ trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ.