Bác đề xuất bán vé thu tiền chọi trâu Đồ Sơn

Trâu chọi húc chết chủ tại vòng loại chọi trâu Đồ Sơn 2017. Ảnh: Phong Pink.
Trâu chọi húc chết chủ tại vòng loại chọi trâu Đồ Sơn 2017. Ảnh: Phong Pink.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho rằng đề xuất bán vé thu tiền tham dự lễ hội chọi trâu Đồ Sơn trái với quy định pháp luật.

Sáng 6/6, trong cuộc làm việc với UBND TP Hải Phòng tại Hà Nội, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã nêu rõ quan điểm không ủng hộ đề xuất bán vé thu tiền lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Bởi đề xuất này trái với Nghị định 28 và Thông tư 15 quy định không được bán vé thu tiền ở lễ hội truyền thống.

Điều 16 Nghị định 28 nêu rõ cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với hành vi bán vé, thu tiền tham dự lễ hội. "Bộ Văn hóa bảo lưu quan điểm chỉ tổ chức vòng chung kết chọi trâu Đồ Sơn với 16 trâu chọi tham gia", Thứ trưởng Thủy nói.

Trước đó UBND thành phố Hải Phòng có Đề án đổi mới công tác quản lý và tổ chức đối với lễ hội chọi trâu 2018 gửi Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa). Trong đề án, UBND thành phố khẳng định việc bán vé thu tiền tham dự chọi trâu Đồ Sơn là rất cần thiết, thậm chí “sống còn” với lễ hội này. Từ nhiều năm nay, kinh phí tổ chức lễ hội chọi trâu không lấy từ ngân sách nhà nước mà xã hội hóa thông qua đóng góp của chủ trâu, tài trợ của doanh nghiệp và bán vé.

UBND thành phố nhấn mạnh: “Bán vé là phương án khả thi để đảm bảo an toàn, kiểm soát đám đông hiệu quả, tránh tình trạng dồn ứ trong sân và bên ngoài, tránh tạo tâm lý đua tranh giữa nhóm được vào và nhóm không được vào xem”. Vì vậy, Hải Phòng đề xuất tiếp tục bán vé thu tiền tham dự chọi trâu Đồ Sơn với mức giá vòng loại là 80.000 đồng/vé, vòng chung kết 150.000 đồng/vé.

Trong đề án, UBND thành phố tiếp tục khẳng định chọi trâu Đồ Sơn là lễ hội truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong đời sống cộng đồng địa phương chứ không phải hoạt động thể thao hay trò chơi.

“Người dân khá bức xúc khi lễ hội đứng trước nguy cơ bị dừng tổ chức như phản ánh của các luồng dư luận sau sự cố tai nạn. Hầu hết ý kiến người dân cho rằng tai nạn trong lễ hội là hy hữu và chỉ cần chấn chỉnh khâu tổ chức cho an toàn hơn. Lễ hội chọi trâu vẫn cần được tiếp tục tổ chức để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tiếp nối di sản đặc sắc của các thế hệ trước trao truyền lại”, đề án viết.

Sự cố trâu chọi húc chết chủ tại vòng loại chọi trâu Đồ Sơn đầu tháng 7/2017 đã làm nổ ra cuộc tranh cãi gay gắt giữa bỏ hay giữ chọi trâu. Bộ Văn hóa sau đó yêu cầu Hải Phòng chấn chỉnh, đồng thời lập đề án tổ chức lễ hội để đảm bảo an toàn cho người tham gia và giới hạn số lượng trâu tham dự.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG