Bắc Bộ nguy cơ rét kỷ lục, Hà Nội xuống dưới 10 độ C

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Bắc bộ và Bắc Trung bộ sẽ trải qua kỳ nghỉ Tết Dương lịch trong thời điểm rét nhất mùa đông năm nay, nhiều khu vực có khả năng xuất hiện băng giá, thủ đô Hà Nội có thể xuống dưới 10 độ C.

Băng giá có nguy cơ xuất hiện dịp Tết Dương lịch

Theo ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia,  hiện nay một đợt không khí lạnh (KKL) rất mạnh đang tràn xuống nước ta, hôm qua bắt đầu ảnh hưởng đến miền núi phía Bắc, ngày hôm nay (28/12), KKL tăng cường mạnh hơn, toàn  bộ khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ chuyển rét, miền núi, trung du phía Bắc có rét đậm rét hại, tập trung mạnh nhất vào ngày 29 và 30 tháng 12. Cùng thời điểm này, xuất hiện hình thái gây mưa ở Bắc bộ do rãnh gió tây trên cao di chuyển  kết hợp KKL tầm thấp gây ra một đợt mưa trên diện rộng, từ mưa vừa đến mưa to ở Bắc bộ. Mưa kết hợp rét kéo nền nhiệt xuống rất sâu trong hai ngày 29 và 30.

Nhiệt độ thấp nhất trong ngày 29, 30 ở đồng bằng là 8-11 độ, vùng núi từ 4-7 độ, vùng núi cao là dưới 3 độ. Khu vực có độ cao trên 1.500 mét, nhiệt độ có thể xuống dưới 0 độ C. Các khu vực như Ô Quý Hồ, đèo Pha Đin, Sapa, Mẫu Sơn có khả năng xuất hiện mưa tuyết và băng giá.

Đợt rét này dự kiến kéo dài đến 4/1/2019, nguy cơ ảnh hưởng đến nông nghiệp, cây trồng vật nuôi, sức khỏe con người là rất lớn. Như vậy, trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch, ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ sẽ có 2 ngày đầu rét đậm rét hại kèm mưa tuyết, băng giá. Hai ngày tiếp theo vẫn là rét đậm, rét hại nhưng thời tiết khô hơn, chỉ còn khả năng băng giá ở phía Bắc. “Chúng tôi đánh giá đây là một trong những đợt rét mạnh nhất mùa đông năm nay, có thể so sánh với những đợt rét kỷ lục những năm trước, có thể xấp xỉ hoặc gần bằng đợt rét đậm, rét hại của năm 2008 và một số đợt khác”, ông Năng nói.

Với khu vực Hà Nội, nhiệt độ thấp nhất có thể xuống dưới 10 độ C vào ngày và đêm 29, 30. Những ngày tiếp theo sẽ rét đậm, rét hại nhưng khô ráo hơn.

Mưa lớn ở Trung Bộ, Tây Nguyên

Cũng theo ông Năng, KKL còn có khả năng gây mưa lớn và kéo dài đến ngày 3,4 ở khu vực Trung bộ.  Tuy nhiên, phân bố mưa có sự khác biệt. Từ đêm qua đến hôm nay, khu vực Bắc Trung bộ sẽ có mưa do KKL kết hợp với nhiễu động gió đông. Trong các ngày từ 29-31/12, các tỉnh Trung Trung bộ và Nam Trung bộ có mưa rất to, lượng mưa trong ngày khá cao, nhất là khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên, có thể tới 150 mm. Tuy nhiên lượng mưa phổ biến không đồng đều, có nơi ít hơn. Ngoài ra, Nam Trung bộ đang chịu ảnh hưởng của nhiễu động gió đông nên trong 2-3 ngày tới tiếp tục có mưa to. Những ngày đầu tháng 1/2019, mưa ở Nam Trung bộ sẽ giảm bớt so với thời kỳ đầu. Tây Nguyên và Nam Trung bộ không có mưa lớn song mưa trái mùa có khả năng xuất hiện trong 2-4 ngày tới.

Theo ông Năng, một điều đặc biệt lưu ý nữa là đợt gió mùa đông bắc này rất mạnh nên gây ra gió mạnh, sóng lớn ở khắp các vùng biển. Trên vùng biển vịnh Bắc bộ và Bắc Biển đông sẽ có gió mạnh trước tiên, gió mạnh 6,7, giật đến cấp 9.  Từ ngày 29, gió mạnh mở rộng ngoài khơi Nam bộ, Trung bộ, khu vực giữa Biển Đông, đặc biệt là vào chiều và đêm 29, vùng áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông, kết hợp gió mùa đông bắc sẽ gây ra gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 khu vực giữa Biển Đông. Đà Nẵng có mưa to đến rất to trong đợt này, đặc biệt từ 29-31, sau đó, còn kéo dài nhưng lượng tập trung từ 29-31.

Dự báo về thời tiết đợt Tết Kỷ Hợi sắp tới, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sau đợt rét đậm, rét hại dịp Tết Dương lịch sẽ xuất hiện thêm những đợt KKL khác nhưng thời gian và cường độ yếu hơn. Vì thế, dịp Tết Kỷ Hợi, nhiệt độ khu vực Bắc bộ sẽ cao hơn, Hà Nội đêm và sáng ở mức 17-19 độ C, sáng sớm có mưa xuân lất phất, trưa chiều trời hửng nắng. Trong khi đó khu vực Nam bộ nắng nóng có thể xảy ra với mức nhiệt cao nhất 35-36 độ C. Đặc biệt, tại khu vực Nam Bộ từ 28 tháng Chạp đến mùng 2 Tết, khả năng xuất hiện một đợt triều cường mạnh, có khả năng gây ra úng ngập.

MỚI - NÓNG