Ba tháng lấy ý kiến nhân dân dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Trưởng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và hai Phó Trưởng Ban biên tập Lê Minh Thông, Nguyễn Văn Phúc chủ trì buổi họp báo
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Trưởng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và hai Phó Trưởng Ban biên tập Lê Minh Thông, Nguyễn Văn Phúc chủ trì buổi họp báo
Việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII quyết nghị bắt đầu triển khai từ ngày 2-1-2013 tới ngày 31-3-2013.

Chiều 29-12, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tổ chức họp báo về việc triển khai thực hiện lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết ngày 2-1-2013, bản Dự thảo Hiến pháp sẽ được công bố đến toàn dân. Cùng với đó, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ có một bản thuyết minh về những vấn đề cần phải sửa đổi trong Hiến pháp để nhân dân nắm rõ và đưa ra ý kiến của mình.

Bốn yêu cầu

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đưa ra bốn yêu cầu đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội, báo chí khi tổ chức lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Thứ nhất, phải thảo luận, lấy ý kiến nhân dân với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia sửa đổi Hiến pháp. Việc lấy ý kiến tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tiết kiệm.

Thứ hai, ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác và nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo.

Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, thông tấn trong vận động nhân dân tham gia góp ý và phản ánh ý kiến của nhân dân.

Cuối cùng, bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp chính quyền, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nhân dân sẽ góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp ở 8 nội dung: Lời nói đầu của Hiến pháp; chế độ chính trị; quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; bảo vệ Tổ quốc; bộ máy nhà nước; hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp; kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp.

Các hình thức góp ý

Hình thức lấy ý kiến nhân dân bao gồm: Góp ý trực tiếp bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 6 của Nghị quyết số 38/2012/QĐ13; thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội tại địa chỉ http://duthaoonline.quochoi.vn và các phương tiện thông tin đại chúng; các hình thức phù hợp khác.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Trưởng Ban Biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho biết Hiến pháp năm 1992 (Hiến pháp hiện hành) quy định về mỗi thành phần kinh tế bởi một điều. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chỉ có một điều quy định chung cho các thành phần kinh tế và không nêu tên các thành phần kinh tế.

Cụ thể, Điều 54 của dự thảo mới ghi: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, với nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh đúng pháp luật.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mới cũng sẽ bổ sung thiết chế Hội đồng Hiến pháp như một cơ quan bảo vệ việc thực thi Hiến pháp.

Theo Chinhphu.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG