Vào một buổi tối năm 2008, bà Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á ngồi xem bản tin truyền hình về trẻ em Trung Quốc nhiễm Melamin gây suy thận, ung thư gan. Thị trường sữa Việt Nam không có sữa nhiễm Melamin nhưng bà lo lắng về thị trường sữa nội địa. Ngay tối hôm đó, bà nung nấu ý tưởng nuôi bò, làm sữa.
Hồi đó, nhiều dự án phát triển bò sữa thất bại vì khí hậu nóng ẩm ở nước ta không thích hợp cho nuôi bò. Bà giải bài toán hóc búa đó cực kỳ đơn giản bằng cách yêu cầu thuộc cấp tìm nước nào có điều kiện tự nhiên tương tự nước ta nhưng nuôi bò thành công để mua công nghệ. Và Israel, vùng đất bán sa mạc đã bán sữa bò khắp thế giới, là câu trả lời thuyết phục nhất.
Tuy nhiên, ở nước ta, việc san bỏ cây cối, hoa màu chỉ để trồng cỏ, ngô… nuôi bò là chưa có tiền lệ. Sau khi khảo sát một số vùng đất, bà tìm về quê hương của bà - xứ Nghệ - vùng đất mà hè thì gió Lào nắng cháy, đông lại lạnh thấu thịt xương. Để thuyết phục những con người xứ Nghệ phóng khoáng nhưng lại quá ư thận trọng, bà tổ chức nhiều đoàn lãnh đạo, cán bộ lão thành sang thăm mô hình của Israel. Với sự quyết liệt của chính quyền địa phương, đứng đầu là ông Phan Đình Trạc (Trưởng ban Nội chính Trung ương) lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh rồi Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, và công tác dân vận tốt, dự án đã được triển khai thần tốc trong năm 2009.
Cuối năm 2010, dòng sữa TH true MILK đã có mặt trên thị trường đúng theo công thức mà bà đúc kết sau này: TH true MILK = tài nguyên thiên nhiên Việt + trí tuệ Việt + công nghệ đầu cuối của thế giới.
“Danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới phong tặng cho cá nhân tôi, đồng thời cũng là sự khích lệ, lan tỏa tư duy, cách thức làm nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ 4.0, tư duy kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Hạnh phúc nhất của tôi là đã mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng”.
Doanh nhân Thái Hương
Bà liên tục mở cửa trang trại đón khách và cả những nhà báo còn nghi ngờ. Những hình ảnh về trang trại TH như một công viên khổng lồ trình diễn công nghệ chăn nuôi hiện đại. Bà còn tổ chức hội thảo quốc tế để chứng minh con đường phát triển doanh nghiệp của mình. Rồi hàng loạt giải thưởng quốc tế mà TH giành được đã củng cố vị thế của TH true MILK và cá nhân bà. “TH không theo một lối mòn nào mà mở ra một hướng đi…”, bà nói trong cuộc trò chuyện mới đây.
Không mệt mỏi đi về những vùng khó nhất
Website của Tập đoàn TH giới thiệu: “TH là một tập đoàn doanh nhân yêu nước. Đặt lợi ích riêng của tập đoàn trong lợi ích chung của quốc gia, không tìm cách tối đa hóa lợi nhuận mà hợp lý hóa lợi ích”.
Điểm lại những đóng góp cho cộng đồng, bà Thái Hương không nhấn mạnh đến doanh thu, đến số thuế mà TH đóng góp cho Nhà nước mà là việc bà khởi xướng một hướng đi mới.
Trên những cánh đồng từng trống trải dọc hai bên đường Hồ Chí Minh gần trang trại, nhà máy của TH bây giờ là những dãy nhà, hàng quán, nhà nghỉ, khách sạn. Nhiều chủ các căn nhà đó là công nhân hoặc nông dân hợp tác làm ăn với TH. Xung quanh Nhà máy chế biến hoa quả và thảo dược Vân Hồ của TH đóng ở huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, nông dân trồng nhãn, cam, chanh leo… đang đứng trước cơ hội được tiêu thụ nông sản ổn định, ngay tại chỗ.
Bà Thái Hương nói sẽ tiếp tục con đường làm giàu cùng nông dân, đưa nông sản Việt chiếm lĩnh thị trường Việt và xuất khẩu ra thế giới. Bà xuất khẩu công nghệ chăn nuôi bò sữa sang Liên bang Nga với dự án chăn nuôi bò sữa trị giá 2,7 tỷ USD.
Bà nói bà sẽ không mệt mỏi đi về những vùng gian khó nhất. Ở đó, những cây cổ thụ sẽ được giữ nguyên, phía dưới tán rừng, nông dân sẽ cùng làm giàu với TH bằng việc trồng thảo dược quý. Nước mưa sẽ được giữ lại trong veo, róc rách dưới những tán rừng như thế.