Ba phút phá 30 năm

Ba phút phá 30 năm
Một trận cuồng phong dữ dội đã vụt tràn qua các làng ven biển ở huyện Vĩnh Linh - Quảng Trị trưa 30-9. Hơn 400 ngôi nhà, công trình bị hư hại, gần 200ha “vàng trắng” cao su đang mùa “đếm tiền” bị tàn phá gãy ngang đổ rạp, hàng trăm hécta hồ tiêu, lúa và hoa màu bị cuốn bay...
 Hàng trăm hécta caosu ở ven biển Vĩnh Linh bị tàn sát trong 3 phút của một cơn lốc. Ảnh: L.A - Lâm Chí Công.
Hàng trăm hécta caosu ở ven biển Vĩnh Linh bị tàn sát trong 3 phút của một cơn lốc. Ảnh: L.A - Lâm Chí Công. .

Hơn một trận bom B52

Thôn Huỳnh Công Đông - xã Vĩnh Trung là “cái rốn” của cơn lốc. Ông Hoàng Văn Ba - Trưởng thôn - vẫn chưa hết bàng hoàng trên gương mặt hốc hác, bơ phờ - run rẩy kể lại: “Lúc đó, khoảng 11 giờ rưỡi trưa, nhà tôi đang ăn cơm, bỗng dưng nghe tiếng ầm ầm kiểu như xe xích hàng đoàn ở đâu đang lao tới nơi mình ngồi vậy, tôi hét lên “chạy trốn chạy trốn mau”; mọi người bỏ đũa chạy chui xuống gầm giường, tôi lao ra cửa coi chuyện gì, vừa kịp nhìn thấy một cột gió đen ngòm di chuyển vun vút qua trên đầu thì bị gió hất tung ra gốc cây...

Sau đó là tiếng đổ sập nhà cửa, tôn, ngói bay ầm ầm lên trời, tiếng cây cối ngã gãy, tất cả tạo ra một trận chấn động, nghe còn kinh sợ hơn cả một trận bom B52 hồi giặc Mỹ ném ở Vĩnh Linh”. Ngay trước mặt tôi là cảnh tượng đổ nát như một bãi chiến trường: Hàng ngàn cây caosu có đường kính 20 - 30cm bị gãy ngang san sát như bị người ta dùng lưỡi cưa khổng lồ ngồi trên máy bay rồi vút bay ngang qua với vận tốc cực lớn, những ngôi nhà xây lợp tôn hoặc phibrôximăng giờ chỉ còn trơ trọi những bức tường trống hoác, đổ nát, những cây hồ tiêu lá xanh tươi mơn mởn nằm đổ gục tức tưởi, nhựa tứa ra loang lổ trên nền đất đỏ badan trông như máu tươi đầy oan ức...

Chủ tịch xã Vĩnh Trung - ông Nguyễn Văn Thi - nói trong nước mắt: “Mất mát quá lớn anh ơi, toàn bộ tài sản, cơ nghiệp của bà con là nằm ở vườn caosu và hồ tiêu cả, tiền tỉ của mỗi nhà chứ có ít đâu. 1ha caosu vào kỳ thu hoạch bây giờ trị giá khoảng 500 triệu đồng, riêng thôn Huỳnh Công Đông đã bị cơn lốc cướp trắng 75ha rồi.

Nhưng cũng phải nói là rất may khi cơn lốc xảy ra buổi trưa, nên thiệt hại về người không xảy ra, còn nếu xảy ra ban đêm thì hậu quả e là... không dám nói”. Dù may mắn như ông Thi nói, nhưng tại Vĩnh Trung vẫn có 16 người bị thương, trong đó có 9 cháu đang ở trường mẫu giáo, do gió lốc đập vỡ cửa, mảnh kính bay tung toé làm các cháu bị thương.

Ngoài “rốn lốc” Huỳnh Công Đông, xã này còn có hai thôn bị lốc xén qua là Thuỷ Trung và Thuỷ Hội; tổng cộng cả ba thôn này có 226 ngôi nhà bị bay mái, xiêu vẹo, sụp đổ, 120ha cao su bị gãy đổ, 20ha hồ tiêu, 20ha lúa, 35ha hoa màu bị hư hại. Trước khi “tàn sát” Huỳnh Công Đông, cơn lốc cũng đã xoáy qua các thôn của hai xã Vĩnh Tú và Vĩnh Kim làm hư hại 12 ngôi nhà, 9ha cao su ở Vĩnh Tú và 23 ngôi nhà, 15ha cao su, 3,5ha hồ tiêu của Vĩnh Kim.

Nhanh như điện

“Chỉ ba phút, chắc chưa đến ba phút, cơn lốc đã biến cả vệt làng mạc trù mật ven biển Vĩnh Linh trở nên hoang tàn, đổ nát. Cơ nghiệp này tích cóp 30 năm chưa chắc đã có, giờ thế này, chắc chi 30 năm nữa đã gầy dựng lại được...” - ông Trần Văn Liêm - một bậc cao niên ở thôn Huỳnh Công Đông - trầm ngâm nói. Rồi như để làm cho tôi vui lên một chút, ông nói thêm: “Nhưng mà qua đây mới thấy dân mình thương yêu đùm bọc nhau, chính quyền mình lo cho dân thế nào.

Lốc vừa đi qua đã thấy ngay lãnh đạo tỉnh, huyện về đến tận nhà dân, rồi đốc quân về giúp dân. Bà con thấy ấm lòng lắm. Mất của, mất nhà đau đớn lắm, nhưng mà trong hoạn nạn có tình người, động viên chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau nên không khí xóm làng cũng đỡ buồn tủi đi nhiều”. Chị Trần Thị Thanh - 53 tuổi, đang đến giúp con trai lợp lại nhà - nói: Gia sản có 300 cây cao su đã vào mùa cạo mủ, ngày nào cũng có 200 ngàn đồng, nay gãy ngang hết rồi, nhà con trai thì bị bay hết, cũng đành nuốt nước mắt, động viên con.

Chị Thanh nói rằng trong mưa gió, thôn, xã đã ngay lập tức đi mua nợ tôn về phát cho dân để che tạm lại nhà cửa tránh cảnh màn trời chiếu đất, rồi đau ốm dịch bệnh. “Những lúc như ri mới thấy cách mạng miềng tốt với dân, lo cho dân như răng” - chị Thanh động viên bà con lối xóm.

Hơn một giờ sau khi cơn lốc xảy ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Quân Chính đã có mặt tại “rốn lốc” và làm “Tư lệnh chiến trường” khắc phục hậu quả cơn lốc. Ngay trong buổi chiều và suốt đêm hôm đó (30-9), gần 50 cán bộ công nhân điện lực tỉnh đã đằm người trong mưa gió để chôn lại các trụ điện bị gãy đổ, thay lại hệ thống đường dây bị đứt; đến rạng sáng 1-10, hơn một nửa hộ dân ở vùng bị mất điện do lốc xoáy đã có điện thắp sáng trở lại, đến chiều 2-10 về cơ bản điện đã “phủ sóng” trở lại.

Ông Chính khi biểu dương tinh thần “nhanh như điện” trong khắc phục, dọn dẹp đường sá, sửa sang lại nhà cửa cho dân theo tinh thần “4 tại chỗ” của các xã trong vùng lốc xoáy đã nói thêm rằng “riêng việc khắc phục của ngành điện thì đúng là... nhanh như điện”.

Ông Lê Văn Dăng - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh - trực tiếp đến thăm hỏi, động viên, tặng quà những gia đình neo đơn, mẹ goá con côi, người già cả không có lao động chính. Nhà mẹ Trần Thị Hoa ở thôn Huỳnh Công Đông là gia đình có hai con liệt sĩ, hiện chỉ có hai ông bà trên 80 tuổi sống với nhau, nhà bị lốc cuốn phăng toàn bộ mái ngói, còn mẹ thì bị thương phải khâu 16 mũi.

Nhìn cái cảnh mẹ Hoa nằm giường với vết thương ở chân, còn cụ ông thì như người mất hồn ngồi dựa cửa nhìn nhà, vườn tược đổ nát mới thấy cuộc chiến tranh của thiên nhiên không hề ít đáng sợ so với chiến tranh súng đạn như nhiều người vẫn tưởng. Ông Dăng nói rằng, thực tiễn cơn lốc này cho thấy những quy định chính sách hỗ trợ cho dân vùng thiên tai còn nhiều bất cập, nếu nói nhà sập, trôi, cháy mới được hỗ trợ 6 triệu đồng thì hàng trăm ngôi nhà hư hại, không còn gì nơi cơn lốc đi qua này được xếp vào mức nào?

Phóng viên Lao Động thăm hỏi mẹ Trần Thị Hoa (có hai con là liệt sĩ) tại thôn Huỳnh Công Đông sau cơn lốc.
Phóng viên Lao Động thăm hỏi mẹ Trần Thị Hoa (có hai con là liệt sĩ) tại thôn Huỳnh Công Đông sau cơn lốc..

Trước mắt và... trước mắt

Ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc Sở NNPTNT QT - nói với lãnh đạo địa phương vùng “rốn lốc” rằng trước mắt cần tập trung khắc phục ngay chỗ ở cho dân, còn lâu dài phải coi lại cơ cấu cây cao su nơi vùng đất này, bão tố, lốc xoáy đã và sẽ còn lấy đi nhiều nữa; có thể sẽ phải chuyển đổi cây trồng khác.

Nhưng, tôi muốn thưa với người đứng đầu ngành NNPTNT địa phương này rằng: Trước mắt và... trước mắt là phải tôn trọng thiên nhiên, không duy ý chí kiểu làm bằng được: Không thể trồng cao su - một cây không có sức dẻo dai chống lại gió bão ngay ở ven biển được, đặc biệt là một cơ thể ven biển đã bị cơn lốc khai khoáng titan tàn sát hết những cánh rừng dương liễu phòng hộ hàng trăm năm tuổi. Đưa hàng trăm tỉ đồng vườn caosu của dân vào rốn của gió, bão, lốc ven biển như thế có phải là một quyết sách thiếu lý trí không?

Cụ Trần Văn Liêm nói: “Tôi năm nay 75 tuổi, lần đầu tiên mới thấy một cơn lốc dữ dằn như thế ni. Ngày xưa, quanh làng, đặc biệt là phía biển là các rú rậm, cây cối to ba - bốn người choàng, nước chảy bao quanh làng, nay đứng đây nhìn ra biển đã thấy những đụn cát trắng do làm titan ở biển Vĩnh Thái gây nên, không còn cây cối chi hết”.

Trên đường rời làng Huỳnh Công Đông để đến làng Bàu, làng Roọc - nơi chỉ cách biển có vài trăm mét đường chim bay, nơi cũng bị tàn phá nặng nề do cơn lốc dữ gây ra - tôi chỉ cho ông Nguyễn Văn Bài những đụn cát khổng lồ trơ trọi không một gốc cây, càng đến gần càng có cảm giác như nó đang chực đổ sập xuống trước mặt người ta, mới hay làng nhỏ bé, yếu ớt và hiểm nguy làm sao!

Cơn lốc cuốn phăng hàng trăm hécta caosu "vàng trắng" ở miệt làng ven biển Vĩnh Tú - Vĩnh Trung cần được coi là “khởi động” nguồn thu học phí mà thiên nhiên đòi lại từ con người. Gieo cơn lốc tận thu titan gặt quả đắng lốc tàn sát cao su - có phải đó là luật nhân quả không? Nhưng, lớn hơn, không gì sánh được là con người, sự sống của con người, vì lẽ đó phải mau chóng tái thiết ngay lại những rừng cây ven biển làm lá chắn phòng hộ cho làng quê ven biển; và cùng với nó là dừng ngay lại không cần biết lý do những cuộc xâm lăng rừng ven biển ít ỏi hiện còn.

Theo Lâm Chí Công
Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chính sách vượt trội của Phú Yên
Chính sách vượt trội của Phú Yên
TPO - Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam công bố kết quả thực hiện chỉ số thu hút đoàn làm phim. Tỉnh Phú Yên dẫn đầu cả nước ở bộ chỉ số thu hút đoàn làm phim (PAI). Danh sách Top 10 còn có nhiều địa phương hấp dẫn như TPHCM, Đà Nẵng, Ninh Bình.