Bà Phạm Khánh Phong Lan: Không phải cứ đạt chuẩn mới là thực phẩm an toàn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, không phải cứ là những sản phẩm đạt chuẩn, những sản phẩm xuất khẩu thì mới là thực phẩm an toàn, điều này còn tùy thuộc rất nhiều vào nỗ lực của doanh nghiệp, việc quản lý để không có chuyện hàng gian - giả, gian lận thương mại... 

Chia sẻ tại buổi họp báo Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TPHCM (HCMC FOODEX 2022) ngày 22/9, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM - khẳng định vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) luôn là vấn đề nóng, nhất là trong tình hình thị trường thực phẩm mấy ngày qua tại TPHCM.

Theo bà, thời gian qua, người dân hết sức nhạy cảm với những thông tin về các chuỗi siêu thị vướng vào việc có các mặt hàng giả danh VietGap. Ban Quản lý ATTP TPHCM đã cũng tham mưu cho thành phố trong việc chống thực phẩm bẩn và xây dựng nền thực phẩm sạch với nỗ lực đến từ các doanh nghiệp, từ người nông dân.

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Không phải cứ đạt chuẩn mới là thực phẩm an toàn ảnh 1

Bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ tại họp báo. Ảnh: Ngô Tùng

Bà Lan cho rằng điều khó khăn nhất là làm sao có thể cạnh tranh về giá cả để vào được hệ thống phân phối hiện đại và cả hệ thống chợ truyền thống để người dân tiếp cận. Lâu nay, Ban Quản lý ATTP thành phố tập trung vào quản lý các doanh nghiệp đã đạt được chuẩn VietGap, những doanh nghiệp đã đạt chuỗi thực phẩm an toàn thì phải đảm bảo được chất lượng thực phẩm của mình đúng như những gì đã cam kết đã là một khó khăn.

“Giờ đây, những doanh nghiệp lành mạnh còn phải cạnh tranh với những “ông” chẳng phải VietGap gì cả nhưng vẫn tìm cách len lỏi vào chuỗi cung ứng. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải tập trung giám sát kỹ hơn và xử lý mạnh tay, nghiêm hơn với họ. Bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần cố gắng giữ vững được chất lượng của mình để đảm bảo được những gì mình đã cam kết để giữ được niềm tin của công chúng”, bà Phong Lan lưu ý.

Trưởng Ban Quản lý ATTP TPHCM Phạm Khánh Phong Lan cũng khẳng định, đơn vị này đang nỗ lực trong việc giám sát chất lượng trên lĩnh vực này.

“Thực sự mà nói, VietGap hay không VietGap, chuỗi thực phẩm an toàn hay không an toàn là những chuẩn mà chúng ta căn cứ vào để làm công cụ cho việc quản lý. Điều quan trọng nhất là thực phẩm trên thị trường được giám sát chất lượng, được kiểm nghiệm và được phát hiện kịp thời những độc chất hay những chất không cho phép mà nó tích tụ. Chúng tôi có các phương pháp khoa học để kiểm soát vấn đề này”, bà Lan nhấn mạnh.

Bà Phạm Khánh Phong Lan đánh giá, không phải cứ là những sản phẩm đạt chuẩn, những sản phẩm xuất khẩu thì mới là thực phẩm an toàn. Điều này còn tùy thuộc rất nhiều vào nỗ lực của doanh nghiệp trong việc giữ vững cam kết của mình và phụ thuộc vào việc quản lý để không có chuyện hàng gian - giả, gian lận thương mại lẫn vào; cũng không nên đánh giá không tốt về những sản phẩm còn lại trên thị trường chưa đạt chuẩn, bởi họ chưa làm thủ tục để được công nhận đạt chuẩn.

“Mục tiêu của chúng ta vẫn là một nền nông nghiệp an toàn và các sản phẩm được cung ứng ra thị trường dù lưu hành tại chợ hay tại siêu thị, hay trên các phương tiện thương mại điện tử cũng phải được kiểm soát, kiểm nghiệm về mặt chất lượng", bà Phong Lan nói.

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Không phải cứ đạt chuẩn mới là thực phẩm an toàn ảnh 2

Các đại biểu dự họp báo Triển lãm HCMC FOODEX 2022.

Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TPHCM 2022 diễn ra từ ngày 19-22/10. tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn.

MỚI - NÓNG