Bà mẹ 3 con và hành trình tới Lý Sơn

Chị Cao Nguyệt Hằng trên đường về đích tại Tiền Phong Marathon ở Lý Sơn ảnh: NHƯ Ý
Chị Cao Nguyệt Hằng trên đường về đích tại Tiền Phong Marathon ở Lý Sơn ảnh: NHƯ Ý
TP - Về Nhất cự ly half marathon 21km nhóm tuổi trên 45 Giải vô địch Quốc gia marathon và cự ly dài (Tiền Phong Marathon 2020), chị Cao Nguyệt Hằng (Hà Nội) đã khiến nhiều đối thủ phải thán phục. 

Chạy bộ vì con

 Tại Lý Sơn (Quảng Ngãi), chị Cao Nguyệt Hằng hoàn thành cự ly half marathon với thời gian 2 giờ 04 phút, xếp hạng 11 chung cuộc nữ (bao gồm 6 VĐV chuyên nghiệp), chỉ thua 4 đối thủ ở các nhóm tuổi trẻ hơn hệ phong trào. Về Nhất ở nhóm tuổi trên 45, giải thưởng khiến runner 7X này khá bất ngờ, bởi chị không nghĩ sẽ đạt giải ngay ở mùa giải thứ hai tham gia Tiền Phong Marathon. Năm ngoái, chị Hằng lọt vào nhóm “1% dân số thế giới” khi hoàn thành cuộc chạy marathon đầu tiên trong đời ở Vũng Tàu.

“Tôi thích báo Tiền Phong từ lâu rồi. Tờ báo gắn bó với thế hệ 7X của chúng tôi. Giải chạy việt dã báo Tiền Phong, nay là giải vô địch quốc gia marathon và cự ly dài, là giải chạy chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam. Tôi thích đi du lịch nên khi Tiền Phong Marathon 2020 thông báo địa điểm tổ chức ở Lý Sơn, tôi đã không do dự đăng ký”, chị Hằng chia sẻ với PV Tiền Phong. 

“So với Vũng Tàu, đường chạy ở Lý Sơn khó hơn rất nhiều: dốc, mặt đường bê tông cứng, nắng nóng và nhiều cát nữa. Tuy vậy, Lý Sơn đã cho tôi những giây phút trải nghiệm không thể nào quên trong đời. Giải thưởng này rất bất ngờ và vô cùng ý nghĩa đối với tôi trong dịp sinh nhật. Giá trị tiền mặt của giải thưởng không quan trọng bằng ý nghĩa truyền cảm hứng đến những người xung quanh mình”, chị Hằng nói. 

Chị Hằng chỉ mới bắt đầu xỏ giày chạy bộ cách đây 2 năm, mặc dù chơi xe đạp từ năm 2014. Duyên cớ để bà mẹ 3 con này đến với chạy bộ bắt nguồn từ chính con mình. “Năm 2018, tôi biết đến thử thách chạy Uprace gây quỹ Newborns Vietnam, mua lồng ấp chăm sóc trẻ em sinh non Việt Nam. Trước đó, tôi không hề thích chạy bộ. Đứa con đầu tiên của tôi sinh non, phải nằm lồng ấp. Chính vì thế, tôi đã tham gia chạy và kêu gọi nhiều người khác chạy cùng mình vì những đứa trẻ sinh non”, chị Hằng trải lòng. 

“Ý nghĩa chương trình không chỉ là kêu gọi từ thiện mà nó còn nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu tỉ lệ tử vong của trẻ sinh non tại Việt Nam. Ngoài ra, chương trình đã lôi kéo được rất nhiều người tham gia chạy bộ để cải thiện sức khỏe”, chị Hằng nói thêm.

Kể từ lần tự nguyện “nhảy xuống hố vôi chạy bộ”, chị Hằng, một thành viên tích cực của CLB chạy Công viên Thanh Xuân và ba môn phối hợp Hanoi Triathlon Club (HTC) dần thích chạy bộ hơn. Mỗi tuần, chị dành tối thiểu 10 giờ để tập luyện cả 3 môn bơi, xe đạp và chạy bộ. Chị Hằng khiến nhiều đàn em phải nể phục khi thường xuyên nằm trong danh sách những người tập chăm chỉ nhất tuần của HTC. Trước đây, runner 7X này mỗi khi đi du lịch xa cùng gia đình thường mang theo...xe đạp để tập luyện. Còn bây giờ, hành trang của chị đến Lý Sơn gọn gàng hơn rất nhiều, chỉ với một đôi giày chạy bộ.

Trải nghiệm đặc biệt với Lý Sơn

 Không giống như đa số các VĐV khác, chị Cao Nguyệt Hằng cùng nhóm bạn đến Lý Sơn theo một cách rất đặc biệt. Thay vì đi tàu cao tốc, chị cùng nhóm bạn thuê tàu “hộ tống” và trực tiếp bơi trên biển hơn 7km (1/4 quãng đường biển từ đất liền ra đảo Lý Sơn) trước khi đặt chân lên đảo Lý Sơn. “Người dân Lý Sơn chất phác, thật thà. Lúc bơi biển, tôi và bạn bè không mang theo tiền hay điện thoại. Khi mua nước, họ còn bán chịu cho chúng tôi. Tôi để quên ví ở trên tàu hai ngày sau mới lấy lại được mà không mất mát gì”, chị kể. 

“Khi tôi ngắm nhìn cổng Tò Vò từ ngoài biển, bên cạnh là con đường trải dài, đỏ rực màu cờ Tổ quốc, lòng biết ơn và tự hào tràn ngập trong tôi. Mỗi người dân Việt Nam yêu biển đảo, yêu nước theo cách riêng của mình thông qua những đóng góp xã hội hay những việc làm tốt đẹp. Thông điệp chạy vì biển đảo của giải năm nay đã khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tương thân tương ái với người dân Lý Sơn. 3.000 lá cờ Tổ quốc mà Ban tổ chức tặng ngư dân Lý Sơn như một hành động tiếp sức cho các ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam”, chị Hằng nói.

Trước ngày thi, chị Hằng cùng bạn trong nhóm bơi “Đội mũ đỏ” đã dành 1 ngày đến thăm và tặng quà cho một số gia đình khó khăn trên đảo. Chị cho biết số tiền thưởng của giải Nhất nhóm tuổi mà chị nhận được sẽ dùng để mua những món quà thiết thực ủng hộ Lý Sơn như một cách tri ân. 

“Lý Sơn có quá nhiều thứ gây ấn tượng cho tôi. Từ những chi tiết nhỏ như mùi rong biển phơi khô dọc đường chạy hay đội ngũ tình nguyện viên giàu kinh nghiệm, người dân cổ vũ hai bên đường khiến tôi không thể nào quên. Hành trình đến với Tiền Phong Marathon năm nay không hề đơn giản. Mọi người đã trải qua quãng đường dài bằng nhiều phương tiện máy bay, ô tô, tàu cao tốc. Đây không chỉ là cuộc đua của các elite mà là cuộc đua giữa những con người thực sự đam mê chạy bộ”, chị Hằng chia sẻ.

Cách đây 3 năm, chị Cao Nguyệt Hằng từng ra mắt cuốn sách đầu tay “Bí quyết nuôi dạy con thông minh khỏe mạnh”, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con. Theo tiết lộ của chị, rất có thể hành trình đặc biệt đến hòn đảo tiền tiêu Lý Sơn sẽ là nguồn cảm hứng để bà mẹ 3 con đam mê thể thao này viết tiếp một cuốn sách về trải nghiệm chạy bộ. 



MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.