Tiền Phong Marathon 2020 nhìn từ góc cabin bình luận viên

Anh Phạm Thúc Trương Lương (bên phải) cùng 2 đồng nghiệp: nhà báo Nguyễn Đạt và Hương Quỳnh trong cabin bình luận trực tiếp Tiền Phong Marathon 2020 tại Lý Sơn, Quảng Ngãi
Anh Phạm Thúc Trương Lương (bên phải) cùng 2 đồng nghiệp: nhà báo Nguyễn Đạt và Hương Quỳnh trong cabin bình luận trực tiếp Tiền Phong Marathon 2020 tại Lý Sơn, Quảng Ngãi
TP - Tiền Phong Marathon 2020 đã kết thúc được 2 ngày, nhưng những cảm xúc của người trong cuộc về giải vẫn như vẹn nguyên. Tiền Phong xin giới thiệu bài viết của anh Phạm Thúc Trương Lương, lãnh đạo cấp cao tập đoàn Tinh Vân, trong vai trò bình luận viên của giải trong 6 giờ liên tục.

Lần thứ ba làm BLV cho một giải chạy marathon, công việc gọi theo cách dân dã là “mouthrathon”(marathon miệng) vì thời lượng “khủng” của của chương trình. Một buổi tường thuật có thể kéo dài tới 5-6 giờ đồng hồ, tương đương vài trận bóng đá thi đấu cả hai hiệp phụ và sút phạt luân lưu.

Chạy bộ là môn thể thao không kén người chơi nhưng khá kén người xem. Thời gian kéo dài nhưng tiết tấu chậm, ít kịch tính. Xét về hình ảnh, không phải môn đối kháng hay trình diễn nên cảnh quay đơn điệu, chủ yếu chỉ có chạy và chạy. Thêm vào đó, không đạo diễn và lực lượng quay phim nào đủ khả năng bao quát hết đường đua marathon trải dài nhiều ki - lô - mét.

Dù thực tế là hàng ngàn vận động viên chạy thi sẽ là hàng ngàn câu chuyện và góc nhìn đường đua gắn với trải nghiệm của mỗi người, mà hầu như câu chuyện nào cũng có những tình tiết hay ho, thú vị, đáng theo dõi, thì những gì mà khán giả thấy trên màn hình và BLV nhìn vào để “chém gió” chỉ chuyển tải được một phần nhỏ các lát cắt của cuộc thi, mà chưa chắc đã là những lát cắt đáng xem nhất.

Buổi tường thuật như một món ăn mà chất lượng thực phẩm được quyết định bởi năng lực của êkip ghi hình, chế biến bởi kinh nghiệm, sự nhanh nhạy, và khả năng kết hợp ăn ý giữa đạo diễn hình và các BLV nhưng gia vị lại là các yếu tố ít nhiều mang tính ngẫu nhiên và may mắn. Đó là người quay có mặt đúng lúc, đúng chỗ, ghi đúng khoảnh khắc.

Ở giải chạy Tiền Phong Marathon lần thứ 61, studio dã chiến của tổ media được bố trí nằm ngay sau cổng Xuất phát/Về đích. Đó vừa là điểm bất lợi vừa là điểm thuận lợi. Bất lợi vì không khí xung quanh quá ồn ào. BLV nhiều lúc không nghe được tiếng của nhau. Giọng nói của họ bị âm lượng từ dàn loa phóng thanh cỡ lớn bên ngoài nhấn chìm nghỉm. Sẽ rất khó tung hứng và kết hợp ăn ý trong điều kiện như vậy.

Nhưng thuận lợi là họ được chứng kiến tận mắt một phần giải đấu đang diễn ra, những gì họ sẽ không thấy được nếu chỉ quan sát cái màn hình trong một trường quay tiêu chuẩn. Họ được hoà mình vào cuộc chơi. Cảm xúc vì vậy sẽ sống động hơn nhiều. Đó là cảnh các vận động viên khởi động, gương mặt lo âu và hồi hộp trước giờ xuất phát. Cảnh các vận động viên về đích mồ hôi như tắm, bơ phờ và thất thần lấy lại nhịp thở, kể cả những người ưu tú nhất. Và cảnh tíu tít cấp cứu những người gặp vấn đề về sức khỏe. Thỉnh thoảng lại có người quen đi qua, bắt tay chào hỏi.

Thậm chí, các BLV cũng được thưởng thức cả cái nắng Lý Sơn chói chang nóng rát sớm làm kiệt sức các vận động viên khi có những lúc mặt trời rọi thẳng vào khoang truyền thông, giúp họ phần nào cảm nhận thời tiết khắc nghiệt những runner đang trải qua trên đường.

Hàng ngàn con người làm nên diễn biến kỳ vĩ của một giải chạy marathon với đủ sắc màu và cung bậc cảm xúc. Thật may mắn khi là những người được thuật lại sự kỳ vĩ đó cho những ai không có mặt. Nhưng sẽ còn sướng hơn nếu được xỏ giầy và là một phần của cuộc đua.

Giải VĐQG Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong (Tiền Phong Marathon) lần thứ 61 năm 2020 được tổ chức tại đảo Lý Sơn trong 2 ngày 4 - 5/7 thu hút gần 2.000 VĐV chuyên nghiệp và phong trào tham dự, được livestream trên hệ thống truyền thông của giải và báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG