“Vài tháng trước, các cuộc thảo luận được tiến hành ở một mức độ cảm xúc khác, và mối quan tâm cũng khác”, Thủ tướng Morawiecki cho biết trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước TVP bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos.
“Phương Tây hơi mệt mỏi và muốn trở lại cuộc sống bình thường. Giờ đây, tôi có thể thấy điều này một cách rõ ràng, và tôi muốn cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới vì Nga vẫn đang kiên nhẫn và sẽ tìm cách thắt chặt kiểm soát Ukraine trong thời gian dài.”
“Mọi người đều muốn sống một cuộc sống bình thường. Nhưng nếu Ukraine sụp đổ, liệu đó cuộc sống có trở về bình thường?”, ông Morawiecki lập luận, nói thêm rằng “may mắn thay”, ông nhận thấy “sự đồng thuận rộng rãi” về vấn đề Ukraine giữa các nhà lãnh đạo phương Tây ở Davos.
Kể từ khi xung đột bùng phát, Ba Lan đã trở thành trung tâm chuyển giao các lô hàng viện trợ quân sự cho Ukraine.
Phát biểu tại WEF, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã kêu gọi cung cấp thêm vũ khí hạng nặng và đạn dược cho Ukraine, nói rằng nước này có thể không tiếp tục tồn tại nếu không được giúp đỡ.
Ông nói, vũ khí mà Mỹ và các đồng minh cung cấp cho Kiev không đủ để ngăn chặn một đợt tấn công tiềm tàng của các lực lượng Nga, vì vậy “điều cực kỳ quan trọng là phải gửi thêm hỗ trợ quân sự ngay bây giờ”.
Tổng thống Duda nói thêm rằng tên lửa và xe tăng hiện đại là quan trọng nhất và Ukraine cần được giúp đỡ vì nước này “muốn trở thành một phần của cộng đồng phương Tây” bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). “Nhưng trên hết, họ muốn tồn tại.”
Mátxcơva từng nhiều lần cảnh báo phương Tây rằng việc gửi vũ khí tới Kiev sẽ chỉ khiến xung đột kéo dài, và làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga với NATO.
Mỹ và các đồng minh khẳng định họ không phải là một bên trong cuộc xung đột, nhưng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng thấy đối với Mátxcơva, đóng băng một nửa dự trữ vàng và ngoại tệ, đồng thời nhắm mục tiêu vào lĩnh vực xuất khẩu năng lượng của Nga. Các hạn chế đã khiến giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao, dẫn đến nhiều cuộc biểu tình khắp châu Âu trong năm qua.
Các quan chức Ukraine cam kết sẽ chiến đấu cho đến khi lực lượng của họ giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ mà Kiev coi là của mình, trong khi các nhà lãnh đạo ở Washington và EU đã thề sẽ hỗ trợ chừng nào còn cần thiết.
Dù vậy, theo cuộc thăm dò dư luận đầu tuần này, khoảng một nửa số người được hỏi ở 9 quốc gia EU ủng hộ việc nhanh chóng chấm dứt xung đột vũ trang ở Ukraine, ngay cả khi điều đó có nghĩa là Kiev sẽ phải từ bỏ một số vùng lãnh thổ.
Người Mỹ cũng không coi cuộc xung đột đang diễn ra là ưu tiên hàng đầu của họ, theo một cuộc thăm dò của Morning Consult được công bố vào tháng 12. Đảng Dân chủ quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề như biến đổi khí hậu và ngăn chặn một đại dịch toàn cầu khác, trong khi Đảng Cộng hòa mong muốn chính phủ tập trung vào vấn đề nhập cư, khủng bố và buôn bán ma túy.