Bà giáo 61 tuổi và ngôi trường chỉ có 1 học sinh

Người làng Sibilyakovo qua lại sông IrtyshẢnh: Reuters
Người làng Sibilyakovo qua lại sông IrtyshẢnh: Reuters
TP - Uminur Kuchukova, 61 tuổi, có thể đã nghỉ hưu nhiều năm trước, nhưng bà đã tiếp tục dạy tại ngôi trường làng từng một thời đông đúc, nay chỉ còn một học sinh 9 tuổi. Năm tới, khi cô giáo Kuchukova nghỉ, trường sẽ đóng cửa.

Giống như hàng ngàn ngôi làng nằm rải rác khắp nước Nga, làng Sibilyakovo ở Siberia xa xôi trở nên hoang vắng sau khi nông trang tập thể đóng cửa, hậu quả của sự kiện Liên Xô sụp đổ năm 1991. Không có việc gì làm và nhiều người đã bỏ đi.

Vào thời huy hoàng trong những năm 1970, trường tiểu học Sibilyakovo có bốn lớp học, mỗi lớp có khoảng 18 học sinh, trong khi làng có khoảng 550 người. Cô giáo  Kuchukova đã dạy ở trường này 42 năm.

Bây giờ trong làng chỉ toàn những ngôi nhà bỏ hoang. Làng Sibilyakovo nay chỉ còn 39 người và cậu bé Ravil Izhmukhametov là học sinh duy nhất của trường.

Cô giáo Kuchukova đã mua nhà ở thành phố Tara cách đó 50km. Cô đã có kế hoạch nghỉ hưu vào cuối năm học này, khi cô cho rằng Izhmukhametov đã đủ lớn để đi sang làng bên học tiếp. Ngôi trường gần nhất cách đó 30 phút đi thuyền máy dọc theo sông Irtysh, cộng thêm 20 phút đi xe buýt.

“Tôi cảm thấy ái ngại cho thằng bé. Bố mẹ nó chưa muốn rời bỏ làng và thật đáng ngại khi phải để cậu bé vượt sông Irtysh đi học, sóng lớn lắm”, bà giáo nói với phóng viên Reuters.

Cư dân làng Sibilyakovo chủ yếu là người Tatar, một trong các nhóm dân tộc thiểu số ở Nga.

Cha mẹ Izhmukhametov là nông dân, họ có gia súc, gia cầm, nhưng họ không muốn con trai ở lại làng khi cậu lớn lên. “Những đứa con lớn của chúng tôi ở thành phố và chúng tôi hạnh phúc với điều đó”, Dinar Izhmukhametov, 48 tuổi, nói.

Con trai họ, cậu bé Ravil, nói không muốn chuyển đến thành phố nhưng cậu nhận ra rằng đến một ngày nào đó cậu sẽ không có lựa chọn nào khác.

Cậu không thấy bối rối khi được hỏi về chuyện đi học mà không có bạn học. “Cháu chẳng biết so sánh việc đó với điều gì, nhưng tất nhiên cháu muốn có bạn bè, vì thế cháu mong chờ đến ngày được đi học ở trường lớn”.

Nhìn lại một đời dạy học, cô giáo Kuchukova nói cảm thấy buồn khi ngôi trường cô làm việc hơn bốn thập kỷ sắp phải đóng cửa mãi mãi.

“Rồi nó sẽ đứng ở đó, chơ vơ hoang vắng như ngôi làng, chẳng ai cần đến nó, trong khi người ở thành phố đang chẳng tìm được chỗ chơi cho trẻ trong trường mẫu giáo, và trẻ con mới sinh ra đã phải học xếp hàng”, bà giáo nói.

Và ngay cả khi bản thân cô giáo cuối cùng cũng phải về thành phố Tara, cô sẽ không để lại quá khứ sau lưng. “Cha mẹ tôi được chôn cất ở đây, một phần của đời tôi ở đây. Chúng tôi sẽ về đây những ngày lễ lạt, để tưởng nhớ những người đã ra đi. Chúng tôi sẽ quay về chăm sóc mộ phần cha mẹ”.

MỚI - NÓNG